Sau chuyến bay, tên tuổi Gagarin đã vượt ra ngoài ranh giới quốc gia, trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm và khát vọng chinh phục vũ trụ của nhân loại.
Nhân kỷ niệm 50 năm chuyến bay của Yuri A.Gagarin vào vũ trụ, phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ngài Andrey G. Kovtun.
* PV: Thưa ông, năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ. Xin ông cho biết về ý nghĩa của sự kiện này đối với nhân dân Nga nói riêng và nhân loại nói chung?
Andrey G. Kovtun: Ngày 12/4/1961 đã mở ra kỷ nguyên của những chuyến bay vào vũ trụ, và chúng tôi tự hào, người Trái Đất đầu tiên bay lên khoảng không bao la của hành tinh là người Nga, phi công vũ trụ Yu.A.Gagarin.
Việc con tàu vũ trụ "Phương Đông" đưa con người bay lên quỹ đạo Trái Đất đã hiện thực hóa những ý tưởng do hai nhà khoa học vĩ đại của Nga là F.A.Tsander và K.E.Tsionkovsky đặt nền móng, và sau đó được nhà thiết kế chế tạo thiên tài Liên Xô S.P.Korolev phát triển thêm.
Năm 2011 - năm kỷ niệm ngành Khoa học Vũ trụ và cũng là ngày lễ của các nhà du hành vũ trụ. Gagarin đã trở thành biểu tượng cho ngành vũ trụ thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà tuần trước, LHQ đã tuyên bố ngày 12/4 là Ngày Quốc tế kỷ niệm chuyến bay của con người vào vũ trụ.
Ngày 12/4, Nga sẽ vinh danh tất cả những ai đã đóng góp công sức để thực hiện chuyến bay lịch sử trên. Chuyến bay ấy không thể thành hiện thực nếu không có sự đóng góp tận tâm của hàng nghìn nhà khoa học, thiết kế chế tạo, kỹ sư và những công nhân Xô viết.
Kể từ ngày đáng nhớ đó, khi con người lần đầu tiên khắc phục được lực hút của trái đất, vũ trụ đã bước vào đời sống chúng ta một cách vững chắc. Hiện nay, trên quỹ đạo Trái Đất có Trạm vũ trụ quốc tế ISS đang hoạt động, tiến hành những thí nghiệm khoa học độc đáo, hoàn thiện những công nghệ tối tân trong môi trường không trọng lượng.
Nhờ các ngành công nghệ vũ trụ mà nhiều khái niệm ngày nay đã trở nên quen thuộc, như Internet, liên lạc điện thoại di động, vô tuyến, dẫn đường vệ tinh, theo dõi những diễn biến tự nhiên, địa chất xảy ra trên Trái Đất…
* PV: Xin Đại sứ cho biết đôi nét về sự phát triển của nền khoa học vũ trụ Nga trong thời gian qua?
Andrey G. Kovtun: Từ những con tàu vũ trụ và trạm quỹ đạo tới những tổ hợp quỹ đạo đa năng là cả một chặng đường hết sức gian nan phức tạp mà ngành Khoa học vũ trụ Nga đã trải qua.
Ngày nay hợp tác quốc tế trong vũ trụ đã trở thành đường lối chung để phát triển ngành khoa học vũ trụ thế giới, mới có thể bảo toàn sự sống trên Trái Đất, nâng cao đời sống của tất cả các dân tộc.
Vì vậy việc tham gia xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế ISS chiếm một vị trí quan trọng trong nội dung triển khai chương trình nghiên cứu vũ trụ rất có triển vọng của Nga.
Hiệp định hợp tác nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình giữa Nga và Mỹ là cơ sở cho những hoạt động nói trên. Dự án này còn có sự tham gia của Nhật Bản, Canada và các nước thành viên Cơ quan vũ trụ châu Âu.
Phòng thí nghiệm vũ trụ được xây dựng trên quỹ đạo đã trở thành địa điểm cho các nhà khoa học và chuyên gia xuất sắc của toàn thế giới tiến hành những nghiên cứu khoa học quan trọng.
Trong mỗi kỳ thăm dò khảo sát - thường kéo dài gần nửa năm - trong khoang ISS của Nga thường tiến hành từ 40 đến 50 thí nghiệm thuộc lĩnh vực nghiên cứu Thái Dương hệ, y học, công nghệ sinh học, địa vật lý, viễn thám, vật liệu học và nhiều lĩnh vực khác.
Nhiệm vụ hàng đầu theo Chương trình vũ trụ cấp liên bang của Nga giai đoạn 2006 -2015 là hoàn thiện trang bị các modul nghiên cứu mới, đảm bảo mở rộng một cách đáng kể khả năng thực hiện chương trình nghiên cứu và thí nghiệm khoa học, cũng như tiến hành các chiến dịch vận chuyển tiếp liệu kỹ thuật và điều khiển chuyến bay của trạm ISS theo các nghĩa vụ mà Nga đã cam kết với tư cách là đối tác tham gia dự án quốc tế chung này.
Nga còn có kế hoạch xây dựng một tổ hợp tên lửa vũ trụ rất có triển vọng để phục vụ các chuyến bay lên quỹ đạo gần Trái Đất và thực hiện thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa.
Việc thử nghiệm bay của hệ thống này dự định thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2018. Các cuộc phóng sẽ được thực hiện từ sân bay vũ trụ mới của Nga Vostochnyi, sân bay sẽ bắt đầu được xây dựng vào giữa năm nay ở tỉnh Amur.
Ngành Khoa học Vũ trụ Nga tiếp tục giữ một trong các vị trí hàng đầu trên thế giới. Các thiết bị để hoạt động trên quỹ đạo, phương tiện hạ tầng vũ trụ ở mặt đất đang hoạt động liên tục và phát triển, cho phép thực hiện toàn bộ việc phóng tàu vũ trụ, điều khiển tàu trong khi bay, chuyển giao và sử dụng kết quả hoạt động của ngành khoa học vũ trụ phục vụ lợi ích phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo khả năng quốc phòng, thúc đẩy khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng.
* PV: Chúng ta vẫn nhớ chuyến bay của phi công vũ trụ Xô viết Victor Gorbatko và phi công vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân. Xin ông cho biết về ý nghĩa của chuyến bay chung Nga-Việt vào vũ trụ?
Andrey G. Kovtun: Ngày 23/7/2010, kỷ niệm 30 năm chuyến bay phối hợp trên tàu vũ trụ "Soyuz-37" ("Liên hợp-37") do phi hành đoàn quốc tế gồm chỉ huy tàu Vikror Gorbatko và phi công vũ trụ - nhà nghiên cứu Phạm Tuân công dân nước CHXHCN Việt Nam, điều khiển.
Đoán trước được sự tham gia của đồng bào mình vào công cuộc chinh phục vũ trụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời chúc mừng Yuri Gagarin đã viết những lời sau: "…tôi tin rằng thanh niên Việt Nam một khi nào đó sẽ có khả năng bay vào vũ trụ".
Trong chương trình chuyến bay của tàu vũ trụ "Soyuz-37" có đề ra việc ráp nối tàu với tổ hợp bay trên quỹ đạo "Salyut-6"-"Soyuz-36" (Chào mừng-6" - "Liên hợp-36) và tiến hành những nghiên cứu, thí nghiệm trên đó cùng với hai nhà du hành vũ trụ Leonid Popov và Valery Ryumin.
Trong 8 ngày làm việc trên quỹ đạo các nhà du hành vũ trụ đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghiên cứu thí nghiệm y sinh và công nghệ do các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam chuẩn bị với sự tham gia của các nhà khoa học nhiều nước khác.
* PV: Thưa ông, vậy Nga và Việt Nam có kế hoạch nào cho hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ trong tương lai?
Andrey G. Kovtun: Hiện nay, Việt Nam - Nga đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực, không loại trừ cả lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Các chuyên gia của hai nước đã xây dựng bản dự thảo Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình. Tôi tin tưởng rằng văn kiện đó sẽ đặt ra cơ sở pháp lý cho sự phối hợp công tác theo hướng hoạt động rất triển vọng này, tạo điều kiện để ứng dụng thành quả khoa học đã thu được phục vụ cho lợi ích phát triển tiến tới của hai nước.
* PV: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!./.
(Theo: Hoài My/VOV)