Ngày 12.4.2011, cả thế giới sẽ kỷ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ. Nhân loại hẳn không bao giờ quên nụ cười rạng rỡ của Yuri Gagarin – phi công vũ trụ Liên Xô, người mở đường cho loài người đến với những hành tinh xa xôi.
Trong nửa thế kỷ qua, nhân loại đã có bước tiến dài trong chinh phục không gian: học được cách sống và làm việc dài ngày trên quỹ đạo gần trái đất, phóng các loại thiết bị và máy móc khác nhau lên các hành tinh gần và xa, chuẩn bị những chuyến bay có người lái lên sao Hoả.
Trong 5 thập niên qua đã hình thành một “câu lạc bộ các cường quốc vũ trụ”, bao gồm những nước đã đưa đại diện hoặc máy móc của mình lên vũ trụ. Đất nước đi đầu trong hành trình chinh phục không gian là Liên Xô trước đây và Nga sau này.
Đầu tiên và dẫn đầu
Nhân loại thực sự bị chấn động khi hay tin ngày 4.10.1957, các nhà khoa học Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất. Mặc dù đó chỉ là một thiết bị đơn giản, định kỳ lại gửi tín hiệu điện đài về trái đất, song sự kiện này đã mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển của loài người. Từ “sputnik” (vệ tinh – hay người đồng hành) đã bước vào ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Năm 1960, cả thế giới biết tên những “nhà du hành vũ trụ 4 chân quả cảm” – hai con chó Belka và Strelka đã bay lên vũ trụ, trở về trái đất an toàn và lành lặn. Strelka thậm chí còn sinh con và hậu duệ của nó được Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô Nikita Khrushev tặng cho Tổng thống Mỹ John Kennedy.
Sau chuyến bay đầu tiên của Yuri Gagarin ngày 12.4.1961, Liên Xô còn thực hiện nhiều “đầu tiên” khác: Aleksei Leonov trở thành người đầu tiên bước ra ngoài khoảng không vũ trụ; Valentina Tereshkova ghi mốc son với vai trò nữ phi công vũ trụ đầu tiên; chuyến bay tập thể đầu tiên trên tàu “Phương Đông”; cuộc lắp ráp đầu tiên trên vũ trụ và phi công chuyển từ tàu nọ sang tàu kia; trạm quỹ đạo đầu tiên; người phụ nữ đầu tiên làm việc vài giờ trong khoảng không Svetlana Sovitskaya; người phụ nữ đầu tiên thực hiện chuyến bay dài ngày Elena Kodakova và nhiều kỷ lục khác...
|
Nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yuri Gagarin. |
Liên Xô chỉ chịu thua Mỹ trong việc đưa người đầu tiên lên Mặt trăng. Nhưng nhờ kết quả thám hiểm của các trạm tự động được Liên Xô phóng lên Mặt trăng, sao Hoả, sao Kim mà nước Nga giờ đây vẫn đi đầu trong việc nghiên cứu các hành tinh trong hệ Mặt trời. Năm 2010, Nga đã khẳng định vị trí dẫn đầu tuyệt đối về số lượng các con tàu vũ trụ được phóng. Theo ông Anatoli Perminov, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang (Roskosmos), trong năm 2010 Nga đã phóng 31 tên lửa các loại, chiếm tới 41% tổng số các cuộc phóng trên toàn thế giới. “Chúng tôi được gọi là những gã xà-ích vũ trụ, nhưng chúng tôi tự hào về điều này. Để duy trì được vị trí hàng đầu trong cuộc cạnh tranh dữ dội như hiện nay đòi hỏi phải chi phí rất nhiều” – ông Perminov tuyên bố.
Nhân kỷ niệm 50 năm chuyến bay của Yuri Gagarin, Tổng thống LB Nga Dmitri Medvedev đã tuyên bố 2011 là “Năm vũ trụ”. Sự kiện quan trọng đầu tiên trong chuỗi kỷ niệm này là việc phóng con tàu có người lái “Liên Hợp TMA-21” với đội bay hỗn hợp Nga – Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trên thân con tàu có in chữ ký “Gagarin”, ảnh chân dung nhà du hành vũ trụ đầu tiên cười rất tươi cùng dòng chữ “50 năm chuyến bay của Yuri Gagarin”.
Để duy trì vị trí đứng đầu của mình, Nga bắt đầu xây dựng sân bay vũ trụ “Vostochnyi” (Phương Đông) ở tỉnh Amurskaya. Các công trình hạ tầng cơ bản sẽ được khởi công vào cuối năm nay. Sân bay vũ trụ mới sẽ cho phép Nga từ lãnh thổ của mình phóng lên vũ trụ những thiết bị tối tân dành cho các cuộc thám hiểm giữa các hành tinh, những con tàu có người lái (mà hiện nay chỉ có thể thực hiện được ở sân bay Baikonur của Kazakhstan). Dự kiến, từ sân bay mới này sẽ phóng thiết bị vũ trụ đầu tiên vào năm 2015 và 3 năm sau sẽ phóng tàu có người lái đầu tiên.
|
Trạm Phobus-Grunt. |
Ước mơ chinh phục xa hơn
Sau nhiều năm gián đoạn, từ 2011 Nga đã nối lại chương trình nghiên cứu vũ trụ xa. Vào ngày 11.11 năm nay, Nga dự định sẽ tiến hành chuyến viễn du kỳ vĩ – phóng trạm vũ trụ liên hành tinh “Phobos- Grunt” với trọng trách đem về Trái đất những mẫu đá từ Phobos – vệ tinh của sao Hoả. Từ trạm này sẽ đưa lên hành tinh Đỏ gần 60 đối tượng sinh học.
Sau 11 tháng hành trình, trạm “Phobos-Grunt” sẽ tới được quỹ đạo sao Hoả và tiến hành nghiên cứu hành tinh Đỏ từ xa trong vài tháng để lựa chọn vị trí phù hợp đổ bộ xuống Phobos. Sau đó một thiết bị sẽ tách khỏi trạm, hạ cánh xuống Phobos, thu nhặt những mẫu đất đá trên bề mặt tiểu hành tinh này và đem về Trái đất.
Một trạm tồn tại lâu sẽ ở lại Phobos để tự động tiến hành theo dõi khí hậu sao Hoả và nghiên cứu khoảng không gần hành tinh Đỏ. Các công nghệ chủ yếu dùng để thám hiểm sao Hoả trong tương lai sẽ được dịp kiểm nghiệm trên thực tế. Dự kiến, trạm liên hành tinh sẽ trở về Trái đất vào năm 2014.
Có thể nói trong gần 2 thập niên sau khi Liên Xô tan rã, ngành vũ trụ Nga đã không nhận được những khoản đầu tư cần thiết như trước đây. Các chuyên gia cao cấp đã bỏ ra nước ngoài hoặc chuyển ngành để kiếm tiền nuôi gia đình. Nền tảng kỹ thuật và vật chất của ngành đã cũ kỹ và xuống cấp trầm trọng. Nhưng may mắn là vẫn còn có những người tâm huyết, bất chấp sự thăng trầm của thời cuộc, đã cố gắng không chỉ duy trì mà còn nhân rộng thành tựu của ngành vũ trụ Xôviết. Do vậy trong thời đại mà các cường quốc lao tâm khổ tứ về các chuyến viễn du lên sao Hoả và Mặt trăng và tiến hành chế tạo những con tàu thế hệ mới, thì nước Nga vẫn có thứ để chào bán trên thị trường này.
Chẳng hạn tổ hợp tên lửa vũ trụ “Energya” của tổng công trình sư vĩ đại Korolev đã thiết kế không chỉ con tàu có người lái thuộc loại tân tiến mà còn cả tổ hợp sao Hoả để bay lên hành tinh Đỏ, các hãng vũ trụ kỹ thuật khác của Nga sẵn sàng chào thiết kế các trạm Mặt trăng và sao Hoả. Tháng 6 năm ngoái, tại Mátxcơva đã khởi động dự án “Sao Hoả 500”, theo đó 6 tình nguyện viên của Nga, Châu Âu và Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến bay giả định lên sao Hoả và phải sống 520 ngày trong tình trạng bị cách ly hoàn toàn. Họ phải “bay” đến hành tinh Đỏ, thực hiện ba cuộc hạ cánh xuống bề mặt sao Hoả trước khi trở về Trái đất. Cuối tháng 11 năm nay, họ sẽ thoát khỏi cảnh “tự giam” sau khi thực hiện gần 100 thí nghiệm khoa học.
Chuyên đề do Elena Zubtsova - cộng tác viên báo Lao Động tại LB Nga thực hiện
Theo Lao Động