Việc sớm có Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư có thể triển khai các dự án khai thác có tiềm năng ở nước ta.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan sáng 1/4, nhằm giải quyết một loạt các vấn đề mới trong bài toán cân bằng năng lượng hiện nay, cũng như trong tình hình hàng loạt dự án năng lượng gió, mặt trời,đang chờ một hệ thống cơ chế đầy đủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương sớm lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ xem xét, quyết định Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng khẳng định, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư có thể triển khai các dự án khai thác NLTT có tiềm năng, đặc biệt là hàng loạt dự án điện gió tại các tỉnh Nam Trung Bộ, các dự án tại hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cũng phát đi tín hiệu và quan điểm khuyến khích, gia tăng tỷ trọng khai thác và sử dụng NLTT trong yêu cầu cân bằng năng lượng quốc gia, phát triển bền vững hiện nay.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý cơ quan soạn thảo xây dựng các cơ chế cụ thể về huy động vốn đầu tư, môi trường, thủ tục, danh mục dự án, nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học… để tạo thuận lợi tối đa và phát triển hiệu quả lĩnh vực này. Đồng thời, hoàn thành số liệu, thống kê năng lượng, đưa ra những tiêu chí, mục tiêu có tính cập nhật hơn so với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia hiện hành.
Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở đánh giá, phân tích về cân đối các nguồn năng lượng hiện nay cho thấy, nhu cầu cấp thiết trong việc khai thác, khuyến khích các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát về tiềm năng các nguồn NLTT trên cả nước, hiện Việt Nam còn hơn 1.000 địa điểm có thể khai thác thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 7.000 MW, đặc biệt là các công trình thủy điện cực nhỏ công suất dưới 0,1 MW rất thích hợp cho điện khí hóa vùng sâu, vùng xa.
Tiềm năng năng lượng theo khảo sát của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng gần 2.000 MW, năng lượng sinh khối khoảng 800 MW và tiềm năng khá lớn về năng lượng mặt trời, địa nhiệt và thủy triều.
Tính đến năm 2010, việc khai thác NLTT ở Việt Nam mới chỉ đạt tổng công suất khoảng 550 MW, chủ yếu là thủy điện nhỏ và sinh khối. Trong khi điện gió, điện mặt trời quy mô còn nhỏ với tổng công suất lắp đặt khoảng 10 MW.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của nguồn năng lượng này chưa thực sự hấp dẫn. Cùng với đó, các cơ chế chính sách, việc tổ chức thực hiện, cơ sở dữ liệu, trình độ áp dụng công nghệ,… liên quan cũng chưa đầy đủ đã làm hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo./.
(Theo: chinhphu.vn)