Tại Hội
nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề
ra 6 nhiệm vụ cần phải làm, trong đó có nội dung: xây dựng môi trường
văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho
văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối
cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể hóa nhiệm vụ này,
ngày 31/12/2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định
3611/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ đổi
mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành, hướng tới nâng cao
chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới,
phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay có thể
khẳng định hệ thống cơ chế chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực
văn hóa đã cơ bản được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng số được tăng cường đầu
tư, các nguồn lực về con người và tài chính cũng được chú trọng.
Đáng
chú ý thời gian gần đây, nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số
trong văn hóa được triển khai hiệu quả. Công nghệ mới được ứng dụng
trong nhiều hoạt động, giúp người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các
sản phẩm văn hóa. Tiêu biểu có thể kể tới lĩnh vực di sản. Để bảo đảm
hoàn thành các mục tiêu trong Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt
Nam giai đoạn 2021-2030, ngành văn hóa đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng
hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng số.
Việt Nam hiện có 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di
tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh,
cùng với 8.000 lễ hội... Đây là một kho tàng di sản đồ sộ và khi được số
hóa sẽ trở thành tài sản vô giá phục vụ phát triển các ngành công
nghiệp văn hóa, nhất là du lịch, mang về giá trị kinh tế lớn cho đất
nước. Hiện một số địa phương tiên phong trong triển khai thực hiện các
giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa 3D vào khai thác,
quản lý, lan tỏa giá trị di sản.
Tiêu biểu như tại Hà Nội,
chương trình thực cảnh về Văn Miếu-Quốc Tử Giám mang lại sự hứng thú cho
khách tham quan. Đặc biệt, từ tháng 5/2022 khu di tích nổi tiếng của
thủ đô đã triển khai hệ thống vé điện tử, thay đổi mô hình quản lý vận
hành tiện lợi, giảm tình trạng ùn tắc như khi còn triển khai bán vé thủ
công. Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã đưa hệ thống trưng bày ảo 3D vào
phục vụ du khách, mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho người xem. Di
tích Hoàng thành Thăng Long có dự án xây dựng mô hình phục dựng điện
Kính Thiên nhằm phục vụ công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.
Tại
Thừa Thiên Huế, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô sớm triển khai app
hướng dẫn tham quan cố đô. Tại khu vực Hoàng Thành, công nghệ thực tế ảo
VR 3D cũng đã được ứng dụng để du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp
của di sản một cách sống động. Tại Quảng Nam, khu di tích Mỹ Sơn cung
cấp cho du khách một sản phẩm trực tuyến thông qua hệ thống thế giới ảo
công nghệ Metaverse - một hệ thống dựa trên 3 nền tảng công nghệ gồm
không gian trải nghiệm VR360, Metaverse spy và Map 3D. Ở Thanh Hóa, khu
vực Thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh cũng đã áp dụng công nghệ
thực tế ảo vào phục vụ khách tham quan...
Tuy vậy, nhìn một
cách tổng thể, chuyển đổi số văn hóa chưa diễn ra đồng đều ở các lĩnh
vực, các địa phương. Trong các lĩnh vực di sản, du lịch, bảo tàng, thư
viện… có nhiều thành tựu áp dụng công nghệ số nhưng trong các lĩnh vực
khác như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học, nghệ thuật truyền thống…
những ứng dụng này vẫn còn khá hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ. Như
lĩnh vực điện ảnh, hiện có đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến”
sau đổi thành “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” theo
Quyết định số 2649/QĐ-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch nhưng hiện mới ở giai đoạn khởi động.
Trong âm nhạc,
bước đầu có thể ghi nhận chuyển đổi số phát huy tốt hiệu quả trong lĩnh
vực quyền tác giả. Song ở lĩnh vực sân khấu, nhất là sân khấu truyền
thống đang rất cần ứng dụng công nghệ số vào việc lưu giữ các tư liệu
phục vụ cho đào tạo và biểu diễn nhưng hiện chưa có dự án nào.
Nhìn
ở góc độ địa phương có thể thấy, các địa phương và thành phố lớn như Hà
Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh… nơi có
nhiều di sản văn hóa gắn với du lịch đã và đang làm tốt, đồng bộ công
tác chuyển đổi số.
Tuy nhiên tại một số địa phương, nhất là khu
vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá xa lạ với cụm
từ “chuyển đổi số” trong văn hóa. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất
hạ tầng mạng, trang thiết bị còn nghèo nàn, nguồn nhân lực thiếu và
yếu, kinh phí hạn hẹp... Chuyển đổi số ở một số địa phương còn nhỏ lẻ,
tự phát, chưa đồng bộ, chưa xây dựng được hệ sinh thái phần mềm chung hệ
thống dữ liệu để áp dụng xuyên suốt. Một khó khăn khác nữa liên quan
đến nhận thức của người đứng đầu các địa phương và người phụ trách lĩnh
vực văn hóa.
Tại Hội nghị-Hội
thảo “Chuyển đổi số của ngành văn hóa thể thao và du lịch” diễn ra vào
tháng 10/2022, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho rằng ở một số nơi, cán bộ và
lãnh đạo chưa thay đổi nhận thức khi cho rằng chuyển đổi số sẽ làm mất
công việc của người lao động.
Về vấn đề cơ chế, chính sách, một
số chuyên gia đánh giá, vẫn còn sự chồng chéo, chưa thật sự thông
thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực, các địa phương triển
khai hoạt động chuyển đổi số. Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho
chuyển đổi số còn hạn hẹp, một số địa phương, một số lĩnh vực còn lúng
túng, chưa tìm ra vấn đề cốt lõi cần ưu tiên dẫn đến đầu tư dàn trải và
hiệu quả không rõ rệt.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần
thiết mà mỗi quốc gia phải thực hiện trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát
triển hiện nay. Văn hóa là vấn đề nền tảng, cốt lõi, càng không thể đi
chậm và đi sau các lĩnh vực khác. Chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu
khoa học-kỹ thuật mới vào bảo tồn, gìn giữ, phát triển, lan tỏa các giá
trị văn hóa, mở ra những cánh cửa lớn để thế giới biết nhiều hơn về nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.
Với người dân, khi
các giá trị văn hóa được số hóa trên các nền tảng mạng, việc tiếp cận và
sáng tạo văn hóa sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi đó văn hóa không chỉ có ý
nghĩa là nền tảng tinh thần mà còn là một tiềm lực trong phát triển kinh
tế-xã hội. Vì vậy, muốn xây dựng một nền công nghiệp văn hóa thành công
thì cơ sở quan trọng nhất là phải chuyển đổi số văn hóa thành công.
Trên
thực tế đến thời điểm này, việc chuyển đổi số trong văn hóa phần lớn
mới chỉ dừng lại ở mức tiếp cận cơ bản ban đầu như số hóa các dữ liệu,
tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin. Sau một thời gian thực hiện, nhiều
khó khăn bộc lộ đòi hỏi các giải pháp căn cơ, đồng bộ của ngành văn hóa
và của từng địa phương. Do đó cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận
thức của người đứng đầu, xem chuyển đổi số là vấn đề quan trọng, cấp
thiết nhằm nâng tầm văn hóa và mang lại lợi ích cho người dân, hỗ trợ
phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của đất nước.
Trong
chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749 ngày 3/6/2020
khẳng định quan điểm: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển
đổi số”. Sở dĩ cần nhấn mạnh một lần nữa vấn đề nhận thức, bởi nếu đi
nhanh, đi sớm trong chuyển đổi số sẽ dễ thu hút các nguồn lực, không bị
bỏ lỡ cơ hội phát triển một cách đáng tiếc. Điều này không chỉ đúng
trong văn hóa mà còn đúng với nhiều ngành, lĩnh vưc khác.
Cùng
với đó, khoa học-kỹ thuật luôn phát triển không ngừng nên các công cụ hỗ
trợ thiết bị máy móc cần liên tục cập nhật. Nhà nước, ngành văn hóa cần
đầu tư các nền tảng công nghệ lõi, là những nền tảng xương sống, cơ bản
nhất để các địa phương, doanh nghiệp, người dân có thể dựa vào đó hoàn
thiện, đồng bộ cũng như phát triển hạ tầng công nghệ.
Chính sách
cho quá trình chuyển đổi số cần phù hợp, cho phép đa dạng nguồn kinh
phí, nhất là kinh phí xã hội hóa. Do con người là trung tâm của các hoạt
động văn hóa, nên chuyển đổi số trong văn hóa càng cần thiết việc đầu
tư vào con người. Bởi nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ rất
khó để chuyển đổi số thành công.
Hơn nữa, văn hóa là một ngành
rất rộng, đa dạng các loại hình do đó cần những chuyên gia không chỉ
hiểu sâu về chuyên môn mà còn thành thạo các kỹ năng công nghệ, có thể
nắm bắt, thực hành các thành tựu cũng như xu hướng công nghệ hiện đại.
Muốn như vậy phải có kế hoạch, chiến lược đào tạo nhân lực đáp ứng được
những đòi hỏi của thời kỳ mới./.
VŨ QUỲNH TRANG (nhandan.vn)