Thứ Ba, 26/11/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 24/2/2018 11:31'(GMT+7)

Chuyên gia đánh giá về 45 năm quan hệ giữa Việt Nam và Australia

Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, dài 1.535 mét bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, dài 1.535 mét bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo tiến sỹ Mark Roberts và ông Nguyễn Bá Khuyến, nền tảng đầu tiên trong mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam là việc Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Gough Whitlam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 26/2/1973. Từ bước khởi đầu này, một mối quan hệ có ý nghĩa đã bắt đầu. 

Sau nhiều năm cung cấp viện trợ bằng nhiều hình thức, hai nước thống nhất để viện trợ được cung cấp trên cơ sở “hợp tác kinh tế dài hạn, nhằm góp phần phát triển kinh tế Việt Nam và thúc đẩy các mối liên kết thương mại giữa Australia và Việt Nam.” Trên cơ sở đó, cầu Mỹ Thuận được xây dựng tại Việt Nam, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Australia thời điểm đó và trở thành biểu tượng của quan hệ song phương. 

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác cùng việc tài trợ cho giáo dục, nhất là đào tạo tiếng Anh, đã khiến mối quan hệ ngày càng phát triển với những chuyến thăm cấp cao diễn ra thường xuyên hơn. 

Chương trình viện trợ của Australia đã giúp Việt Nam giảm tỷ lệ đói nghèo, đạt phát triển bền vững, hiện đại hóa các hoạt động kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng. 

Tiếp theo cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh dự kiến sẽ được thông xe trong năm 2018 này. 

Với khoản tài trợ trị giá 160 triệu AUD, đây là khoản viện trợ dự án đơn lớn nhất của Australia ở Đông Nam Á và được chính phủ hai nước cùng Ngân hàng Phát triển châu Á đồng tài trợ.

Australia đã trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam từ thời kỳ rất sớm và thương mại song phương tăng lên theo cấp số nhân. 

Có nhiều lý do để tin rằng thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt khi Việt Nam đã và đang đấu tranh tích cực để chống nạn tham nhũng và tệ quan liêu. 

Giáo dục là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước từ thời kỳ đầu. Hiện nay có khoảng 22.000 du học sinh Việt Nam ở Australia và khoảng 7.500 sinh viên hưởng chất lượng giáo dục của Australia ở Việt Nam. Hàng năm, Chính phủ Australia cung cấp khối lượng lớn học bổng dành cho sinh viên Việt Nam. 

Vào tháng 9/2009, Australia và Việt Nam xác định mối quan hệ là Đối tác Toàn diện, thể hiện “cam kết qua lại mạnh mẽ” đối với mối quan hệ, thỏa thuận xây dựng một khuôn khổ nhằm củng cố và tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực chủ chốt: mở rộng quan hệ chính trị và trao đổi chính sách công; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển thương mại; hỗ trợ phát triển và hợp tác công nghệ; xây dựng mối quan hệ quốc phòng và an ninh; hỗ trợ liên kết người dân với người dân; đẩy mạnh chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu. 

Đến tháng 3/2015, hai nước ký Tuyên bố về “Tăng cường Đối tác Toàn diện Australia-Việt Nam”, nhấn mạnh lợi ích qua lại về “tăng trưởng kinh tế, ổn định và an ninh khu vực,” với cả hai nước công nhận “những thách thức đáng kể” của khu vực đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng. 

Cả hai nước tin tưởng vào việc củng cố các thể chế khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết về một “hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc” trong khi tạo “điều kiện tốt nhất có thể” cho thương mại và đầu tư song phương để đáp ứng tiềm năng của mình. 

Tuyên bố này đề cập các lĩnh vực chính như sau: hợp tác song phương; hợp tác khu vực và quốc tế; tăng trưởng kinh tế, thương mại và phát triển công nghiệp; hỗ trợ phát triển; quan hệ quốc phòng, thực thi pháp luật và an ninh. 

Cũng theo tiến sỹ Mark Roberts và ông Nguyễn Bá Khuyến, để mối quan hệ Australia-Việt Nam đơm hoa kết trái không thể không nhắc đến cộng đồng người Việt Nam tại Australia với trên 300.000 người và được coi là sợi dây kết nối quan trọng cho mối quan hệ này.

Trong Tuyên bố “Tăng cường Đối tác Toàn diện,” cả Australia và Việt Nam đều đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở Australia và cộng đồng người Australia ở Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của cả hai nước, và trong thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác./. 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất