Theo nhà báo Detlef-Diethard Pries của báo Nước Đức mới, những nỗ lực
của Quốc hội Việt Nam trong việc cải thiện đời sống cho nhân dân, trong
đó có các dân tộc thiểu số, rất đáng được khen ngợi.
"Quốc hội Việt Nam đã có đóng góp to lớn vào những thành tựu chung
của đất nước" là nhận định của tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia
về Biển Đông của Quỹ Khoa học và Chính trị Đức (SWP), trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Đức.
Theo tiến sỹ Gerhard Will, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV gắn liền với
những thách thức lớn đối với nền kinh tế, chính trị và xã hội của Việt
Nam do sự bùng phát trên phạm vi toàn cầu của đại dịch COVID-19.
Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có thể nói Việt Nam đã vượt qua
những thách thức này tốt hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và
trên thế giới.
Tiến sỹ Gerhard Will nhận định: "Nền kinh tế Việt Nam không rơi vào
tình trạng suy thoái mà tiếp tục phát triển, đại dịch COVID-19 đã được
không chế thành công, các đợt bùng phát mới nhanh chóng được dập tắt
bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Quốc hội Việt Nam đã hết sức ủng
hộ và đồng hành cùng các biện pháp chống dịch hiệu quả của Đảng và
Chính phủ Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp quan
trọng trong việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu và thực hiện các biện
pháp phòng chống đại dịch, do đó ngày càng được nhân dân đồng tình ủng
hộ".
Cùng quan điểm với tiến sỹ Gerhard Will, nhà báo kỳ cựu
Detlef-Diethard Pries của báo Nước Đức mới (Neues Deutschland) chia sẻ
rằng trong 5 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến hết sức ý nghĩa. Vị
thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, Việt Nam đã có
những đóng góp lớn cho các tổ chức quốc tế.
Những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc cải thiện đời sống cho
nhân dân, trong đó có các dân tộc thiểu số, cũng rất đáng được khen
ngợi.
Nhà báo Detlef-Diethard Pries chia sẻ: "Trên khắp thế giới, nhiều
quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do hậu quả của
đại dịch COVID-19.
Nhưng ở Việt Nam, đại dịch đã được kiểm soát tốt và nhẹ hơn nhiều so
với nhiều nước châu Âu. Tôi hy vọng rằng Chính phủ, Quốc hội và nhân dân
Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều thành công hơn nữa trong cuộc chiến chống
đại dịch. Tất nhiên, điều này cũng đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc tế
một cách chặt chẽ".
Nói về vai trò của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Đức trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước,
nhà báo Detlef-Diethard Pries cho rằng Quốc hội hai nước có thể tạo ra
những xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương.
Hai bên cần tích cực tìm hiểu lẫn nhau, điều này sẽ giúp hai bên hiểu
rõ hơn về tình hình và mục tiêu phát triển của mỗi nước, qua đó tạo
điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.
Còn theo tiến sỹ Gerhard Will, sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước chưa
đạt được mức độ tương xứng như mối quan hệ kinh tế, xã hội Đức-Việt
Nam. Đại dịch COVID-19 càng làm cho sự hợp tác này gặp nhiều khó khăn
hơn.
Tiến sỹ Gerhard Will cho biết: "Trong thực tế, dù khoảng cách địa lý
giữa Việt Nam và Đức rất xa nhau nhưng hàng chục năm qua, hai nước đã có
mối quan hệ rất gắn bó. Rất nhiều người gốc Việt đang sinh sống và làm
việc tại Đức, họ đã hòa nhập rất tốt vào xã hội sở tại và có những đóng
góp ý nghĩa cho sự thịnh vượng chung của quê hương thứ hai của mình. Sự
hợp tác giữa quốc hội hai nước chưa tương ứng với mối quan hệ kinh tế-xã
hội chặt chẽ và đa dạng này. Trong Quốc hội Đức có rất nhiều nhóm nghị
sỹ có gốc gác từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng rất tiếc là hiện tại
không có nhóm nghị sỹ gốc Việt nào để có thể kết nối và tăng cường hơn
nữa mối quan hệ Đức-Việt".
Nói về triển vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới,
tiến sỹ Gerhard Will cho rằng để có thể hợp tác sâu rộng hơn đòi hỏi
hai bên phải sẵn sàng thảo luận và giải quyết các chủ đề mà hai bên còn
có quan điểm khác biệt. Điều đó sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn và có thể
hợp tác chặt chẽ, tin cậy hơn.
Nhà báo Detlef-Diethard Pries thì cho rằng hai nước có thể hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế.
Ông nói: "Sự hợp tác trong lĩnh vực y tế mang tính thời sự cao. Về
lâu dài, theo tôi, các vấn đề về bảo vệ môi trường, khí hậu và tăng
cường sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được đặt lên hàng đầu. Điều đó không
có nghĩa là việc hợp tác kinh tế và thương mại truyền thống giảm đi.
Việc nhiều người Việt Nam tìm được quê hương thứ hai của họ tại Đức tạo
điều kiện để mối quan hệ Đức-Việt ngày càng phát triển trên mọi lĩnh
vực. Điều này cũng có nghĩa là lòng tin giữa hai nước cần được khôi phục
và củng cố càng nhanh càng tốt"./.
Mạnh Hùng-Vũ Tùng (TTXVN)