Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể công bố ngày 12/4 vừa
qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Các chuyên gia,
các nhà khoa học, nhà quản lý với góc nhìn đa chiều đã có những ý kiến
chia sẻ, góp ý thẳng thắn.
Đa phần các ý kiến đều cho rằng quy trình xây dựng chương trình giáo dục
phổ thông tổng thể là tốt, có tính khoa học, có bài bản, có sự phát
triển qua từng tầng nấc. Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn liên quan
đến tính mở của chương trình.
Đã đến lúc cần thay đổi việc dạy và học
Mới đây, tại hội thảo khoa học về công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo
và cán bộ quản lý của TP. Hà Nội đáp ứng chương trình giáo dục phổ
thông mới, đại diện tổng chủ biên các môn học và hiệu trưởng các trường
phổ thông đã chia sẻ về những hy vọng cũng như trăn trở khi thực hiện
chương trình này.
Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán trong Chương
trình giáo dục phổ thông mới khẳng định, triết lý mới về dạy học toán
trong chương trình mới trước hết là phải tinh giản, chỉ đưa vào những gì
cốt lõi nhất, thiết thực nhất. Toán học phải cho mọi người và mọi người
đều có quyền tiếp cận với toán học, dùng toán học như một công cụ phục
vụ cuộc sống. Chương trình toán phải hiện đại, sáng tạo, khuyến khích
được sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của người học.
Theo Giáo sư Thái, chương trình môn toán sẽ thay đổi rất nhiều, sẽ
không phải trả lời câu hỏi học cái gì ở trong toán hay chứng minh nó
bằng cách nào... mà hướng tới là cuộc sống đòi hỏi cái gì, chắt lọc nó
vào toán học để phục vụ cuộc sống.
“Đã đến lúc chúng ta phải thấy rằng không thể dạy và học như cũ nữa.
Chúng ta thấy con em chúng ta quá khổ vì học”, Giáo sư Thái nhấn mạnh.
Nhận định về những điểm mới của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ
thông tổng thể, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng,
xây dựng Chương trình này, các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã
tiếp cận được với xu hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của
những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Về nội dung, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam
được xây dựng phù hợp với mô hình phát triển năng lực của các chương
trình giáo dục tiên tiến. Điều này thể hiện ở mục tiêu của Chương trình,
nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả
giáo dục của Chương trình.
Ông Thạch cũng cho rằng, Dự thảo Chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào
tạo công bố mới chỉ là Chương trình tổng thể, tức là bộ khung của chương
trình giáo dục phổ thông. Nhiều thử thách còn đang ở phía trước, mong
rằng Bộ chỉ đạo sát sao để việc xây dựng chương trình các môn học và
biên soạn sách giáo khoa thể hiện được đúng tinh thần đổi mới của chương
trình tổng thể.
Chương trình có quá sức với thực tế?
Mặc dù cho rằng quy trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông
tổng thể là tốt, nhưng nhiều ý kiến lại băn khoăn đến tính mở của Dự
thảo cũng như việc liệu Chương trình có quá sức với thực tế.
Theo Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Chương trình được xây dựng theo hướng mở nhưng việc
thực hiện được nêu trong Dự thảo chưa bảo đảm được tính mở này.
“Về phẩm chất năng lực, ở đây mới chỉ liệt kê được những năng lực gì
và biểu hiện của nó ra sao. Biểu hiện chỉ là cơ sở để đánh giá phẩm chất
năng lực chứ chưa phải là điều cần đạt về năng lực”, ông Tiến nhấn
mạnh.
Vậy làm thế nào để đạt được các phẩm chất, năng lực này? Đây là một
câu hỏi lớn và Chương trình được đưa ra không giải đáp được vấn đề đó.
Các định hướng về nội dung các môn học không nêu lên được cách đi tới
các phẩm chất, năng lực đó.
Các nhà viết nội dung Chương trình học cần làm rõ điều này, học môn
này thì xây dựng những phẩm chất năng lực nào? Vì ngày nay, việc xây
dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực cần làm rõ mối quan hệ
nặng, nhẹ giữa từng năng lực chung với từng môn học/hoạt động giáo dục.
Có như vậy mới định hướng được về kết quả đầu ra, ông Tiến phân tích.
Trong lần thay đổi chương trình giáo dục này, kỳ vọng được xã hội đặt
ra là việc sắp xếp lại các môn học hợp lý, tránh dàn trải, giảm tải
chương trình và có tính tập trung, hướng nghiệp cao cho học sinh. Thế
nhưng, các môn học được đưa ra trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ
thông tổng thể dường như chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng.
Nhiều chuyên gia nhận định, tổng số môn học dường như quá “đồ sộ” và
số tiết học cũng quá lớn. Thậm chí, học sinh lớp 10 có tới 15 môn học
bắt buộc và tự chọn bắt buộc, chưa tính 2 môn tự chọn. Tổng số tiết
trong một năm học từ 985 tiết đến 1.184 tiết học.
GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học nhìn nhận,
theo Dự thảo Chương trình, ở bậc tiểu học số lượng môn học không giảm
mà những môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công
nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... khối lượng thời gian chiếm tới
hơn 1/3 thời gian tiểu học. Trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học
sinh chỉ cần nắm được kiến thức sơ đẳng nhất...
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
được công bố vào ngày 12/4, giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai
giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm)
và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
Theo đó, sự thay đổi mạnh nhất thuộc về giai đoạn THPT
bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau
phổ thông có chất lượng. Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục
phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân
hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Trong dự thảo cũng xuất hiện những môn học/hoạt động giáo
dục mới như môn học Giáo dục Kinh tế và pháp luật hay Hoạt động trải
nghiệm sáng tạo…/.
Theo chinhphu.vn