Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 2/6/2018 22:38'(GMT+7)

“Chuyển giới - Những vấn đề xã hội và pháp lý”

 

Toàn cảnh Hội thảo


Hội thảo được sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế, văn hóa, luật... ; cán bộ chức năng của các bộ, ngành, một số ủy ban của Quốc hội, một số tổ chức trong nước và quốc tế, và đặc biệt có sự tham gia đông đảo của những người chuyển giới (NCG) đến từ nhiều tỉnh, thành.

Phát biểu và tham luận tại Hội thảo, nhiều nội dung thiết thực được đại biểu và đặc biệt các đối tượng là NCG quan tâm. Tham luận của TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã trình bày khá sinh động về "Tổng quan Dự án Luật chuyển đổi giới tính" với những số liệu khảo sát, điều tra, tổng hợp cụ thể về tỷ lệ NCG đã cho thấy rõ thực trạng bức tranh về chuyển giới ở Việt Nam. Ông Quang cho biết, ở Việt Nam chưa thể có con số chính xác về NCG, hay người chuyển đổi giới tính, nhưng nếu sử dụng con số trung bình qua các nghiên cứu của thế giới theo tỷ lệ NCG là từ 0,3-0,5% dân số, thì Việt Nam ước tính có khoảng 290.000 người (0,3% DS) đến 480.000 người (0,5% DS) thuộc đối tượng là NCG. Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ công nhận có hai giới tính là nam và nữ, không công nhận giới tính thứ ba nên NCG đã và đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý, điều kiện y tế và cả sự kỳ thị của xã hội. Nhiều NCG đã phẫu thuật “chui” hoặc đi nước ngoài thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và họ không chỉ phải chịu chi phí tốn kém và rủi ro trong quá trình phẫu thuật mà sau khi về nước còn gặp khó khăn về tính pháp lý đối với giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có. 71.4% NCG cho biết sau khi phẫu thuật, họ gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tùy thân, do ngoại hình thật không khớp với thông tin và hình ảnh trên giấy tờ. Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nước nếu được cấp phép hoạt động họ có thể thực hiện chuyển giới cho NCG với chi phí rẻ hơn từ 8-10 lần so với phải ra nước ngoài.

 



Trên thực tế, từ 1-1-2017, Việt Nam đã cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, tuy nhiên cá nhân nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện chuyển đổi giới tính, quy trình chuyển đổi giới tính như thế nào, thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính để thay đổi giấy tờ hộ tịch… thì chưa được quy định cụ thể, là những khó khăn cho NCG.
Vì những lý do trên, rất cần có một Dự án “Luật chuyển đổi giới tính”. Ông Quang cho biết, hiện nay hồ sơ đề nghị đưa Dự án Luật vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội đã hoàn thiện và quá trình soạn thảo đã được tiến hành. Một số nội dung cơ bản của Dự án Luật (gồm 5 chương 25 điều) cũng được ông Quang trình bày tại Hội thảo để các đại biểu tham gia ý kiến.

Nhiều chuyên gia đầu ngành đã phân tích, đánh giá về Dự án "Luật chuyển đổi giới tính" và nêu rõ, có nhiều điểm cốt lõi được quy định từ những bộ luật khác cần được khai thác để “Luật chuyển đổi giới tính" tạo được khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, hỗ trợ tích cực cho NCG. Cụ thể, chú trọng Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do ... đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khoản 2 Điều 2, Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính...

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh PV

Một số nội dung khác được các đại biểu tham luận, như: Tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế về quyền của NCG; thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe cho NCG nữ; đặc biệt, “Các khuyến nghị để đảm bảo quyền con người và sức khỏe cộng đồng cho người chuyển giới”  của đại diện các tổ chức: UNDP, UN Women, UNESCO… ở Việt Nam đều được quan tâm thảo luận.

Kết luận Hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao các ý kiến tham gia, phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học và NCG. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến và gửi đến các cơ quan chức năng bày tỏ mong muốn "Luật chuyển đổi giới tính" sớm được ban hành, tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để hỗ trợ NCG có được cuộc sống như những người bình thường khác: Được chăm sóc y tế, phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi hộ tịch, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử... Trước mắt, các cơ quan truyền thông kịp thời giải quyết những vấn đề thiếu hụt thông tin để “Luật chuyển đổi giới tính" sớm được ban hành; đồng thời, giúp cho NCG và xã hội hiểu biết và có trách nhiệm đầy đủ hơn về một Thông điệp vì con người: “Chúng ta có thể hành động cùng nhau để không ai bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả mỗi người chuyển giới”./.

Tin và ảnh: PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất