Tập sách không chỉ là những hồi ức của chính tác giả Nguyễn Hữu Thái về
những sự kiện ông đã trực tiếp tham gia mà còn bao gồm lời kể của những
nhân chứng với nhiều góc độ khác nhau.
Hơn ba thập kỷ trôi qua nhưng ký ức về không khí sục sôi, những bước
đường hành quân khẩn trương và những cái nắm tay thật chặt, những giọt
nước mắt nghẹn ngào… chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí người trong
cuộc.
Tác giả đã tiếp cận nhiều nguồn tư liệu của các học giả nước ngoài, trong đó, có nguồn tư liệu phong phú về đề tài “Sài Gòn sụp đổ” (Fall of Saigon) tại thư viện các trường đại học của Mỹ.
Bằng việc đưa vào khối hình ảnh tư liệu phong phú với chú thích rõ ràng,
cấu trúc mạch lạc, cuốn sách giúp người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, có
được cái nhìn sinh động, toàn cảnh về diễn biến dồn dập của trận chiến
xảy ra trước, trong và sau ngày 30/4, làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975.
Tác giả Nguyễn Hữu Thái nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn,
hoạt động tích cực trong phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh
miền Nam từ năm 1963-1975. Ông là “phát thanh viên đặc biệt” đọc lời
tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trên
Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.
Trong cuốn sách “Lịch sử Công an nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”
(Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997) có đoạn viết: “Anh
Nguyễn Hữu Thái đã tiếp cận Duơng Văn Minh trước khi Minh làm Tổng
thống. Anh đã có mặt tại dinh Độc Lập từ sáng 30-4, góp phần tác động
Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn chờ 'bàn giao trong vòng 'trật tự,'
tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Dương Văn Minh trên đài phát
thanh Sài Gòn”.
Sau gần 10 năm khởi thảo, “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975” chính thức ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2013).
Sách do Nhà xuất bản Lao động phối hợp với Nhà sách Phương Nam ấn hành./.
Phương Mai (Vietnam+)