Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 20/4/2013 18:35'(GMT+7)

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng ở các đảng bộ phường, TP Hồ Chí Minh hiện nay

Trong những năm qua, công tác tư tưởng (CTTT) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhất là CTTT ở các đảng bộ phường đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở các đảng bộ phường trên địa bàn Thành phố cũng tồn tại nhiều mặt cần tập trung giải quyết như tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhất là ở cơ sở xuất hiện những hiện tượng rạn nứt và không gắn kết, những hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là những bức xúc của nhân dân trước những vấn đề bức xúc của cuộc sống v.v…Trước thực trạng đó, yêu cầu đặt ra là CTTT nhất thiết phải đặt trọng tâm hướng về cơ sở. Bởi hiệu quả tác động công tác tư tưởng của Đảng phải thể hiện bằng thực tế kết quả lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Muốn vậy, công tác tư tưởng của các đảng bộ phường phải không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt.

1. Bức tranh chung CTTT ở các đảng bộ phường

Qua tổng hợp báo cáo của ngành tuyên giáo thành phố và nhìn lại thực tiễn kết hợp với khảo sát thực tế CTTT của đảng bộ các phường những năm gần đây có thể nêu khái quát bức tranh chung như sau:

Một là, công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng đã được các đảng bộ phường quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Các đảng bộ phường trên địa bàn Thành phố xác định giáo dục lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong CTTT của Đảng, nhất là ở cơ sở, do đó đã nỗ lực thực hiện công tác giáo dục chính trị nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân biết được, hiểu được, nhận thức đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nội dung giáo dục lý luận chính trị của các Đảng bộ phường tập trung chủ yếu vào các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên với các nội dung bao gồm lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử, truyền thống cách mạng; nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiệp vụ hoạt động của các tổ chức quần chúng.

Hai là, công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động đã được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời thông tin những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân. Nội dung công tác tuyên truyền, cổ động ở các đảng bộ phường đã được thực hiện với nhiều nội dung đa dạng, phong phú từ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đảng và Nhà nước đến tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa, xã hội, gắn công tác tuyên truyền với công tác nắm bắt dư luận xã hội và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái; giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nội dung công tác tuyên truyền, cổ động đã tập trung đi sâu tuyên truyền về những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại v.v...

Ba là, đã chú trọng công tác nêu gương tốt, điển hình tiên tiến trên địa bàn cấp phường. Thực hiện phương châm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, trong thời gian quan, công tác nêu gương tốt, điển hình tiên tiến trên địa bàn cấp phường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể ở phường quan tâm thực hiện. Rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được phát hiện và nhân rộng từ cấp phường. Đó là những tấm gương doanh nhân làm ăn giỏi, những học sinh xuất sắc, những người dân có nghĩa cử cao đẹp trên địa bàn v.v... Trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007-2010 và việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, các đảng bộ cấp phường đã phát hiện và giới thiệu lên cấp trên hàng trăm tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác. Hầu hết các tấm gương tiêu biểu được phát hiện từ các đảng bộ phường đều là những cá nhân điển hình tiên tiến “người thật, việc thật” với những việc làm thiết thực để giáo dục và nhân rộng.

Bốn là, CTTT ở các đảng bộ phường góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản; 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa. Ở các đảng bộ phường đã thành lập các Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và đề ra các chương trình trọng tâm triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở từng giai đoạn với 10 mô hình văn hóa gồm: gia đình văn hóa, công sở văn minh sạch đẹp an toàn, đơn vị y tế văn minh y đức; chợ văn minh - thương nghiệp; điểm sáng văn hóa, ký túc xá sinh viên văn hóa, trường học có đời sống văn hóa; nhà hàng tiệc cưới văn minh lành mạnh tiết kiệm; công ty doanh nghiệp văn hóa; nhà trọ, khu lưu trú văn hóa và gương người tốt, việc tốt.

Năm là, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, một trong những vấn đề phát sinh trong CTTT ở phường lớn nhất hiện nay là vấn đề giải tỏa, đền bù, tái định cư; những vấn đề liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang đô thị, kết cấu hạ tầng, thoát nước. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, trong những năm qua, tại nhiều Đảng bộ phường đã thường xuyên phối hợp tổ chức các điều tra dư luận xã hội trên địa bàn cũng như xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Nhiều nguồn thông tin quý giá đã được cung cấp từ đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở.

Sáu là, công tác đấu tranh tư tưởng, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, tin đồn và tài liệu xấu lan truyền, phát tán tại cơ sở được chú trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Thành ủy về đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, các đảng bộ phường đã tổ chức sinh hoạt chính trị trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo phổ biến rõ tình hình về các sự kiện phức tạp xảy ra trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, ý thức cảnh giác, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trên các lĩnh vực chính trị - xã hội được đề cao; đa số cán bộ, đảng viên đều thống nhất với Đảng phản bác lại các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, tư tưởng và hành động tiêu cực trong Đảng và xã hội; nhận thức về âm mưu “diễn biến hòa bình”, ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng nâng cao.

Bảy là, các lĩnh vực công tác khoa giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay tất cả các phường trên địa bàn thành phố đều đã thành lập Hội Khuyến học và đi vào hoạt động. Công tác tổ chức đội ngũ khoa giáo cơ sở được cấp ủy quan tâm hơn, có quận đã thành lập Tổ khoa giáo cấp phường; nhiều quận tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác khoa giáo cho cán bộ các ngành thuộc lĩnh vực khoa giáo và cán bộ khoa giáo cơ sở; hoạt động truyền thông được thực hiện nhiều thông qua việc kết hợp trong sinh hoạt cộng đồng để bồi dưỡng, phổ biến kiến thức các lĩnh vực khoa giáo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy vậy CTTT ở các đảng bộ phường cũng còn không ít bất cập, yếu kém, đó là: công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng có lúc, có nơi thiếu chiều sâu và chưa rộng khắp; công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động có lúc còn chậm, chưa đầy đủ và theo phong trào; công tác nêu gương tốt, điển hình tiên tiến có lúc, có nơi chưa được coi trọng; các hoạt động văn hóa trên địa bàn chưa có nhiều những chuyển biến tích cực; công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời và còn lúng túng; chất lượng các lĩnh vực công tác khoa giáo chưa thực sự được quan tâm đầy đủ...

2. Làm thế nào để đổi mới, nâng cao chất lượng CTTT ở các đảng bộ phường?

 CTTT nói chung, CTTT của các Đảng bộ phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng, đòi hỏi cần phải có sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, tổ chức và cá nhân, trong đó có vai trò quan trọng của Đảng bộ phường, UBND phường cùng các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn phường và mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.  

Thiết nghĩ, để đổi mới, nâng cao chất lượng CTTT ở các đảng bộ phường , ngoài việc thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của Trung ương, của thành phố, của quận, của phường, cần chú trọng quan tâm một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy phường đối với công tác tư tưởng

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy phường đối với CTTT thể hiện ở sự thống nhất trong cấp ủy Đảng về nhận thức tầm quan trọng của CTTT đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Quan tâm triển khai thực hiện và quán triệt đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để cổ vũ, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân và tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hàng năm có kế hoạch công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng, vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo, bồi dưỡng kết nạp đảng, bồi dưỡng đảng viên mới.

Quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, cổ động thông qua giao ban với chính quyền, đoàn thể, với cấp ủy chi bộ bộ phận, với Tổ tuyên giáo đảng ủy; xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo việc tuyên truyền, cổ động theo đợt sinh hoạt chính  trị do cấp trên yêu cầu hoặc do tình hình nhiệm vụ của phường đề ra.

Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng của Đảng bộ phường.

Ngoài lực lượng làm công tác tuyên giáo rất đông đảo bao gồm đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí,  cán bộ của đoàn thể, tổ chức xã hội..., đảng bộ các phường cần quan tâm công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách làm công tác đảng, kiểm công tuyên giáo. Khuyến khích, vận động cán bộ làm CTTT ở phường tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, hiểu biết các mặt, nhất là ứng dụng thành thạo, có hiệu quả các phương tiện mới trong thời đại công nghệ thông tin vào công tác tuyên giáo để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của CTTT trong tình hình mới. Quan tâm củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên ở cơ sở. Lấy hoạt động thực tiễn để rèn luyện, thử thách và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, khả năng thích ứng với thực tế. Tận dụng tối đa những người về hưu, những người hoạt động trong lĩnh vực lực lượng vũ trang tham gia làm CTTT ở phường. Cần sớm thành lập Ban Tuyên giáo của đảng ủy phường để kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện các nội dung về CTTT trên địa bàn. Mặt khác, cần thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, chính xác cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng trên địa bàn phường thông qua các kênh thông tin chính thống khác nhau như: Tổ chức hội nghị báo cáo viên, cấp phát tài liệu tuyên truyền kịp thời.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng phù hợp với đặc điểm của các đảng bộ phường.  

Trên cơ sở các tài liệu học tập quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, các đảng ủy phường nên chỉ đạo biên soạn lại nội dung cô đọng, dễ hiểu, phù hợp với các đối tượng khác nhau trên địa bàn. Cần gắn các nội dung của CTTT mà các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy Đảng đã đề ra với các nội dung có liên quan trên địa bàn phường để đối tượng dễ hiểu, dễ tiếp thu. Các nội dung thông tin đến với người dân trên địa bàn phường cần phải được biên soạn ngắn gọn, cụ thể, hạn chế những nội dung nặng tính lý luận. Chú trọng các nội dung liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân trên địa bàn như các vấn đề quy hoạch đô thị, giải tỏa, đền bù, việc thực hiện các chính sách, về con giống, cây trồng, vật nuôi đối với các quận còn sản xuất nông nghiệp v.v...

Cần quan tâm hơn nữa việc đổi mới hình thức, phương pháp CTTT. Tiếp tục đổi mới phương thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; tăng cường đối thoại, tranh luận; coi dân chủ hóa, minh bạch hóa là phương pháp tốt nhất để tạo sự đồng thuận trong xã hội và nâng cao trình độ, bản lĩnh của cán bộ Tuyên giáo. Đa dạng hóa các hình thức CTTT ở cơ sở, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tư tưởng tạo thành một mặt trận rộng lớn, đặc biệt là lực lượng báo chí, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của Đảng nhằm tạo sự đa dạng và phong phú về hình thức, tăng sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, hình thành trận địa tư tưởng vững chắc trong lòng dân.

Thứ ba, tăng cường phối hợp thực hiện công tác tư tưởng giữa chính quyền cơ sở với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình tiến hành công tác tư tưởng

Cần quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ về tầm quan trọng của Quy định 221- QĐ/TW để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đối với công tác phối hợp giữa Tổ Tuyên giáo của Đảng ủy phường với UBND phường trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng mô hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và tổng kết nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn phường

CTTT ở cơ sở cần chú trọng công tác này, gắn chặt công tác nhân rộng với lồng ghép, nhằm biến điển hình của cá nhân thành điển hình của tập thể, từ tập thể điển hình nhỏ thành tập thể điển hình lớn. Việc biểu dương hay phê phán một cá nhân, một tập thể cũng phải đúng mức, tôn trọng sự thật. Việc trình bày sự thật nhiều khi gắn với phê bình, tự phê bình nên đòi hỏi sự trung thực, dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân.

Thứ năm, quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tư tưởng ở cơ sở

Quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa phục vụ lợi ích thiết thực của người dân ở cơ sở như: Xây dựng tủ sách pháp luật; xây dựng và tổ chức các thư viện, nhất là khu vực có đông công nhân. Đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, đầu tư và cung cấp trang thiết bị hiện đại, phù hợp với điều kiện hiện nay như: Máy tính, máy ghi âm, máy chụp hình v.v…Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ làm CTTT trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác./.


Dương Thế Trung

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất