Văn phòng trung tâm đặt tại phòng B010 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TPHCM (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TPHCM), do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm giám đốc, trang web chính thức tại http://vanhoahoc.vn.
Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng là một tổ chức nghiên cứu khoa học, do Giám đốc ĐHQG TPHCM ra quyết định thành lập, trực thuộc Trường ĐHKHXH và NV TPHCM và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH và NV TPHCM. Trung tâm hoạt động theo mô hình tổ chức nghiên cứu cơ bản được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo hình thức “khoán” (quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 115/2005/NĐ của Chính phủ), có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước theo quy định của Pháp luật. Tên giao dịch tiếng Anh của Trung tâm là Centre for Theoretical and Applied Culturology (viết tắt là CTAC).
Với sứ mệnh “đưa văn hóa học vào từng hơi thở cuộc sống và đưa cuộc sống vào từng trang nghiên cứu văn hóa học”, Trung tâm là nơi tổ chức các nghiên cứu cơ bản, thảo luận các kết quả nghiên cứu; tổ chức các hoạt động tư vấn và phản biện xã hội, phổ biến kiến thức, mở rộng hợp tác chuyên môn trong nước và quốc tế...
* Cùng ngày, Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng đã tổ chức lẽ ra mắt Tủ sách Văn hóa học Sài Gòn (thuộc Trung tâm) với hai đầu sách đầu tiên: Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ và Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng.
Sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam (900 trang, nhiều tác giả, Trần Ngọc Thêm chủ biên, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TPHCM) là một nỗ lực của nhóm tác giả khi đối diện với thực trạng “những nét tương đồng và khác biệt của Tây Nam bộ với Ðông Nam bộ về địa lý, lịch sử, kinh tế... đã hiện lên khá rõ, song về văn hóa thì những đặc điểm văn hóa của Tây Nam bộ, đặc điểm tính cách con người, tính cách văn hóa Tây Nam bộ đáng tiếc là vẫn bị hòa lẫn trong một bức tranh mờ nhòa có tên chung là Nam bộ” (trích Dẫn nhập của sách).
Sách Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng (750 trang, Trần Ngọc Thêm, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TPHCM) bàn về những vấn đề văn hóa học lý luận, văn hóa Việt Nam, văn hóa thế giới, văn hóa học ứng dụng. Cuốn sách này là sự tổng kết sơ bộ giai đoạn 22 năm nghiên cứu văn hóa và văn hóa học (1990-2012) của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.
Dự kiến những đầu sách tiếp theo của Tủ sách Văn hóa học Sài Gòn sẽ ra mắt như: Văn hóa Raglai ở Khánh Hòa, Văn hóa giao tiếp trong công sở hành chính (trường hợp TPHCM), Nói dối từ góc nhìn văn hóa học, Từ điển thuật ngữ văn hóa học, Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam...
Nhật Thụy