Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 21/4/2013 9:44'(GMT+7)

Hội Nhà báo Việt Nam phát triển không ngừng cùng nhịp đập thời đại

Đ/c Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch HNB Việt Nam phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2013

Đ/c Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch HNB Việt Nam phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2013

Với số lượng ban đầu vẻn vẹn với 185 hội viên, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã phát triển thành một tổ chức toàn quốc lớn mạnh, rộng khắp và có uy tín. Tổ chức Hội hiện là 267 đơn vị, 16 liên chi hội, 187 chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Đội ngũ hội viên lên tới gần 18.000. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp mà con số hội viên là khá lớn. Các nhà báo Việt Nam đã có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngược dòng thời gian, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hàng nghìn nhà báo đã có mặt trên các chiến trường. Họ đã chiến đấu bằng ngòi bút của mình thông qua các hoạt động báo chí và khi cần thì bằng cả vũ khí như những người lính thực thụ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Ở hậu phương, thông qua báo chí, các nhà báo đã làm dấy lên các phong trào quần chúng ủng hộ cuộc kháng chiến trong cả nước cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ ở miền Nam. Trong kháng chiến chống Pháp là các phong trào “tăng gia sản xuất”, “đóng thuế nông nghiệp”, “xung phong vào bộ đội”, “chăm sóc thương binh”; Trong kháng chiến chống Mỹ là các phong trào “Ba đảm đang”, “Cờ ba nhất”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”; Sau khi hòa bình lập lại trên cả nước và thực hiện thống nhất nước nhà là “khoán 10”, “khoán 100”, “cải tiến quản lý xí nghiệp”...

Trong khi làm nhiệm vụ, nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh. Cho đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định được hơn 400 liệt sĩ có tên tuổi, địa chỉ để truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Báo chí luôn đi đầu trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng. Ngay trước Đại hội VI của Đảng (năm 1986), báo chí đã nêu cao chủ đề đổi mới tổ chức và cán bộ, xóa bỏ chế độ bao cấp, từng bước tìm tòi cơ chế quản lý mới. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, mở rộng dân chủ do báo chí tiến hành đã có tác dụng góp phần tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, tham gia chuẩn bị dư luận chào đón và nhiệt tình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Dựa trên tư duy đổi mới của Đảng và tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tiến bộ của thông tin, báo chí nước ngoài, từ năm 1987, Hội Nhà báo Việt Nam được giao nhiệm vụ làm nòng cốt tham gia Ban soạn thảo Luật Báo chí mới. Luật đã có tác dụng to lớn, góp phần tạo điều kiện để báo chí Việt Nam có một bước phát triển vượt bậc. 

Luật Báo chí cùng với và Qui định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã trở thành một hành lang pháp lý, một tiêu chuẩn đạo đức cho hoạt động của các nhà báo được Hội Nhà báo Việt Nam hết sức quan tâm.

Hội hết sức quan tâm giáo dục về mặt chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, thông qua những chuyện giáo dục đó để làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Hội cũng mở những lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đội ngũ báo chí cách mạng...

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, Hội Nhà báo Việt Nam đã tham gia Liên đoàn báo chí các nước ASEAN (CAJ) và nắm giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng. Hiện nay, Hội nhà báo Việt Nam có quan hệ song phương với các tổ chức báo chí nhiều nước trên thế giới. 

63 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam đang phát triển không ngừng cùng nhịp đập của thời đại. Đứng trước những yêu cầu mới, các nhà báo Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, và là diễn đàn của nhân dân./.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất