Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 24/12/2018 14:30'(GMT+7)

Chuyện nhà báo tống tiền: Cần xử lý cả phóng viên và cơ quan chủ quản

Tang vật vụ án lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền doanh nghiệp ở Thanh Hóa, tháng 10/2018. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Tang vật vụ án lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền doanh nghiệp ở Thanh Hóa, tháng 10/2018. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Mấy ngày qua, những người làm báo cả nước lại tiếp tục rúng động trước thông tin một nữ phóng viên bị bắt ngay gần tòa soạn khi đang nhận 70.000 USD của một doanh nghiệp nước ngoài. Đáng chú ý là đây không phải là lần đầu cô này có hành vi tống tiền doanh nghiệp. Vụ việc một lần nữa làm xấu đi hình ảnh, gây ảnh hưởng đến những người làm báo cách mạng chân chính. 

KHÔNG CHỈ LÀ 70.000 USD...

Từ chiều 18/12, báo chí cả nước đã nhanh chóng thông tin vụ việc nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình, sinh năm 1978, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận bị bắt khi đang nhận 70.000 USD của Công ty trách nhiệm hữu hạn LEXSHARE- ICT Việt Nam có trụ sở ở Bắc Giang.

Ngay sau đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang lên tiếng khẳng định, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giữ hình sự nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình do có hành vi cưỡng đoạt tài sản. 

Trong Bộ luật hình sự năm 2015, Khoản 4 và 5 Điều 170 quy định rõ: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12-20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản." Như vậy, với tội danh cưỡng đoạt tài sản, nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình có thể sẽ phải đối mặt với mức án từ 12-20 năm tù.

Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc cũng thông tin cho biết ở các địa phương, thời gian qua không ít các cơ quan báo chí đã chạy theo lợi nhuận kinh tế, sử dụng những phóng viên, cộng tác viên chưa đủ tiêu chuẩn, thiếu đạo đức, yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến để xảy ra vi phạm. 

Cụ thể là vào tháng 10/2018, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang Ngô Văn Khích đang có hành vi cưỡng đoạt 50 triệu đồng của một doanh nghiệp tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Khích khai nhận là đang làm cộng tác viên cho một số trang thông tin điện tử, lợi dụng danh nghĩa này Khích đã về Thanh Hóa gặp một số doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội để tìm hiểu về các sai phạm.

Đầu tháng 1/2018, Công an tỉnh Bắc Giang cũng bắt giữ 3 phóng viên thử việc Thời báo Làng nghề Việt khi đang tống tiền một cá nhân 50 triệu đồng...

Năm 2017, Cục Báo chí đã tiến hành xử phạm vi phạm hành chính đối với 27 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 714 triệu đồng. Cục đã thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí và 10 thẻ nhà báo đối với các trường hợp sai phạm. Cũng trong năm 2017, Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đình bản tạm thời 5 cơ quan báo chí, trong đó có 4 trường hợp bị đình bản 3 tháng. 

Từ đầu năm 2018 đến ngày 20/12/2018, trong lĩnh vực báo in và báo điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 967 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đã tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 1 trường hợp do có sai phạm; thu hồi 8 thẻ nhà báo...

...CẢNH BÁO VỀ SỰ XÓI MÒN ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÀM BÁO

Thật đáng buồn khi phải thừa nhận rằng sự xói mòn đạo đức người làm báo đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra trong ngành truyền thông. Áp lực lợi nhuận, thời gian hoàn thành công việc đã khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, phóng viên báo chí không chỉ "vô tình" mà là sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức người làm báo. 

Liên quan đến việc xử lý vi phạm đạo đức nghề báo của hội viên, thống kê từ Hội Nhà báo Việt Nam từ đầu năm đến ngày 21/12/2018 cho thấy: Hội đã xử lý 8 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp bị khai trừ và thu hồi thẻ hội viên (ông Hồ Minh Sơn – nguyên Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng cơ quan đại diện Thời báo Sông Mê Kông khu vực phía Nam và bà Trần Thị Tuyết Diệu-hội viên Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên). Có 6 trường hợp khác đang làm thủ tục để ra quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên.

Riêng với vụ việc của phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận, Phó trưởng Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) Hà Kim Chi khẳng định: Ngày 20/12, Ban đã có công văn gửi Công an tỉnh Bắc Giang. Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định hành vi nhận số tiền 70.000 USD từ doanh nghiệp của Đào Thị Thanh Bình (Báo Thương hiệu và Công luận) là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Công an tỉnh Bắc Giang điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay trong số những hành vi không chuẩn mực của người làm báo hiện nay, có những hành vi do người làm báo còn non yếu về trình độ, bản lĩnh chính trị, nhưng cũng có những hành vi cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng khẳng định rằng: Không có sai phạm nào chỉ một người, sai phạm của một cá nhân hay một tập thể đều liên đới đến người quản lý, điều hành tổ chức đó. Khi xử lý một sai phạm liên quan đến cơ quan báo chí, người chịu trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên trước pháp luật là người đứng đầu, quản lý đơn vị báo chí; sau đó là những người liên quan, người trực tiếp gây ra sai phạm. Bởi vậy, xây dựng đạo đức báo chí là xây dựng một cách làm nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí, đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối đều phải thực hiện theo nguyên tắc, chuẩn mực. 

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho rằng từ góc độ quản lý thì vụ việc của phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận không chỉ là vi phạm của cá nhân phóng viên mà qua đó còn cho thấy sự buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí nơi phóng viên công tác. 

Trước vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh người làm báo vừa xảy ra, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho rằng để hạn chế những vụ việc đáng tiếc như trên, trước hết các cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm quản lý phóng viên, cộng tác viên trong tòa soạn. Cục Báo chí sẽ sớm có văn bản yêu cầu các cơ quan báo chí cập nhật danh sách các cộng tác viên. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ tăng cường truyền thông về đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh sai phạm, lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp tại số điện thoại 0865.282828 và địa chỉ email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất