Nước Nga liệu có cần tài nguyên của các nước khác?
Bước sang kỷ XXI, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước công nghiệp phát triển phải đương đầu với một thách thức nghiêm trọng là "đói và khát" tài nguyên thiên nhiên, trước hết là dầu lửa và các kim loại rất cần cho các ngành công nghiệp "ống khói" đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Một khi tài nguyên trong nước không đủ (Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ), hoặc gần như thiếu vắng (Nhật Bản), các quốc gia phải hướng tới các khu vực giàu có những thứ "trời cho" này như Trung Đông, Trung Á, châu Phi v.v.. Và thế là, châu Phi lọt vào "tầm ngắm" bởi châu lục này được tạo hoá ban tặng các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà các quốc gia sở tại chưa cần tới hoặc không có khả năng khai thác.
Nga là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, ẩn chứa trong đó gần như tất các loại tài nguyên thiên nhiên có trên Trái Đất, từ dầu mỏ, khí đốt, các kim loại thông thường và kim loại hiếm, nước ngọt, đất đai màu mỡ v.v.. Vì thế, giới nghiên cứu ở phương Tây nhận định, nếu trên thế giới này có nước nào muốn xưng bá là “siêu cường số 1” thế giới thì có lẽ chỉ có nước Nga, bởi họ có đầy đủ mọi thứ để đứng vào vị thế ấy, từ tiềm năng trí tuệ đến tài nguyên thiên nhiên.
Từ thời Liên Xô tới nay, người Nga nổi danh bởi hoạt động khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Nhưng rồi họ chợt nhận ra, tài nguyên thiên nhiên không chỉ có hạn mà còn là thứ “vũ khí” trong cuộc khẳng định ảnh hưởng chính trị trên thế giới. Việc các nước lớn xâm nhập ảnh hưởng vào không gian hậu xô-viết là bài học địa - chính trị và địa - kinh tế nhức nhối đối với nước Nga.
Vì thế, trong Chiến lược an ninh quốc gia mới đến năm 2020 và trong chính sách đối ngoại, Nga bắt đầu chú ý tới việc bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ của Nga. Theo chiến lược đó, Nga đã triển khai lực lượng quân sự tới Bắc Cực, kiên quyết “mạnh tay” đối phó đối với sự can thiệp của các nước vào không gian hậu xô-viết v.v. Chuyến thăm châu Phi của Tổng thống Đ.Met-vê-đép diễn ra trong bối cảnh đó.
Chậm mà tốt còn hơn không bao giờ
Chuyến thăm châu Phi kéo dài tới 4 ngày của Tổng thống Đ.Met-vê-đép là chuyên công du nước ngoài dài nhất của một tổng thống Nga từ trước tới nay. Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Đ.Met-vê-đép là Ai Cập, nơi mà cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ B.Ô-ma-ma đã có một bài phát biểu “nhằm tranh thủ trái tim” của thế giới Hồi giáo. Tiếp đó là Ni-gê-ri-a - xứ sở sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn của thế giới. Điểm dừng chân cuối cùng là Na-mi-bi-a và Ăng-gô-la, quốc gia rất giàu tài nguyên u-ra-ni và kim cương.
Cùng đi với Tổng thống Đ.Met-vê-đép tới châu Phi có Bộ trưởng Năng lượng Xéc-gây Xmat-cô; người đứng đầu Tập đoàn năng lượng quốc gia, đại diện của Tập đoàn dầu lửa và khí lớn nhất ở Nga “Gazprom” và nhiều tập đoàn năng lượng khác, Xéc-gây Ki-ri-en-cô.
Tại Ai Cập, Tổng thống Đ.Met-vê-đép và Tổng thống nước chủ nhà, ông Mu-ba-rắc, đã ký 5 thoả thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, tư pháp, môi trường, văn hóa và thông tin. Tập đoàn năng lượng nguyên tử “Rosatom” của Nga ký với Ai Cập thoả thuận cho phép tập đoàn này xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên ở Ai Cập. Cũng tại Ai Cập, Tổng thống Đ.Met-vê-đép đã kêu gọi tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Trung Đông tại Mat-xcơ-va trong bối cảnh tình hình ở khu vực này đang nóng lên quá mức và rất cần có một diễn đàn đủ uy tín và độ tin cậy để “hạ nhiệt”. Nga là nước duy nhất trong số 4 thành viên nhóm bảo trợ tiến trình hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin có thể đàm phán được với phong trào của Ha-mat ở Pa-le-xtin.
Tại Ni-gê-ri-a, nước có trữ lượng khí lớn thứ 7 thế giới, kinh tế là vấn đề chủ chốt trong các cuộc hội đàm cấp cao. Tháng 4-2009, Ni-gê-ri-a đã chọn Tập đoàn “Gazprom” trong số 15 công ty làm nhà đầu tư chính trong việc khai thác và sản xuất khí đốt thiên nhiên của nước này. Trước đó, tháng 9-2008, “Gazprom” và Công ty quốc doanh xăng dầu quốc gia Ni-gê-ri-a ký thoả thuận lập liên doanh xây dựng các khu khai thác khí đốt và vận chuyển nhiên liệu. Trong chuyến đi này, hai nước còn ký kết thoả thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân.
Tại Na-mi-bi-a, các công ty con của Tập đoàn “Rosatom” bàn về việc khai thác mỏ u-ra-ni ở phía Tây Na-mi-bi-a.
Tại Ăng-gô-la, Giám đốc Tập đoàn độc quyền về kim cương của Nga “Alrosa” đã từng hoạt động ở nước này từ năm 1990 ký kết với Ăng-gô-la những thoả thuận mới.
Trong chuyến thăm 4 ngày với lịch làm việc được tính sát tới từng phút, Tổng thống Đ.Met-vê-đép không chỉ tạo ra ấn tượng tốt đẹp về một nước Nga mới hồi sinh mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mà còn đem lại cho Mát-xcơ-va những hợp đồng năng lượng trị giá nhiều tỉ USD.
Dĩ nhiên, chỉ với một chuyến thăm, tuy là của nguyên thủ quốc gia, nước Nga khó có thể chinh phục được nguồn tài nguyên của “lục địa đen” đã từng bị lãng quên trong tâm thức của Mat-xcơ-va và chắc chắn không thể hạn chế được ảnh hưởng khá sâu sắc của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ tại châu lục này. Nhưng, những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho thấy, nước Nga thà “chậm còn hơn là không bao giờ” trong việc chinh phục lục địa giàu tài nguyên nhưng trình độ phát triển hoàn toàn chưa tương xứng này./.
(Theo Tạp chí Cộng sản)