Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Thứ Năm, 21/10/2021 10:12'(GMT+7)

Chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn

Người dân trở lại với thói quen đi làm bằng xe buýt sau gần 3 tháng loại hình phương tiện công cộng này phải dừng hoạt động do dịch. (Ảnh: nhandan.vn)

Người dân trở lại với thói quen đi làm bằng xe buýt sau gần 3 tháng loại hình phương tiện công cộng này phải dừng hoạt động do dịch. (Ảnh: nhandan.vn)

Dịch COVID-19 đã gây những tổn thất nặng nề về nhiều mặt. “Chống dịch như chống giặc”, ấy là phương châm, cũng là mệnh lệnh, khi đất nước lâm nguy.

Thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã ứng phó dịch COVID-19 theo nhiều kịch bản, với nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ nào có giải pháp đó, với tinh thần quyết liệt, thần tốc, toàn dân chống dịch. Trong nước sôi lửa bỏng, chúng ta đã nhanh chóng chuyển trạng thái, nói theo ngôn ngữ quân sự, từ sẵn sàng chiến đấu ở mức thường xuyên lên mức cao, với nội dung, trình tự, giải pháp bài bản. Không đặt cuộc chiến ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hy sinh ở mức cao nhất sẽ khó lòng thắng được giặc dữ. Và, một lần nữa, một dân tộc kiên cường đã in thêm mốc son trong chương sử mới. 

Dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát. Nhìn những chốt gác chống dịch được gỡ bỏ, lòng người nhẹ đi nhiều lắm. Có điều, cuộc chiến nào cũng có những mất mát, hy sinh; khúc khải hoàn nào cũng thấm đẫm nước mắt, của hạnh phúc và cả tri ân. 

Kiểm soát tạm thời dịch COVID-19, cả nước đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế. Nhiều người hỏi, sao không nói trở về trạng thái “bình thường” mà lại là “bình thường mới”? Mới, tất nhiên là không giống… cũ. Cụ thể ở đây, “bình thường mới” là trạng thái bình thường trong điều kiện có COVID-19. “Bình thường mới”, nhiều thói quen cũ, nhiều tập quán cũ đã và sẽ phải thay đổi. Trước, đi về là sà ngay với người thân, tay bắt mặt mừng; nay, trước hết phải thực hiện các khâu sát khuẩn, vệ sinh, thay quần áo. Trước, sản xuất đặt hiệu quả hàng đầu; nay, phải đặt tiêu chí an toàn dịch bệnh lên trên hết. Bởi, nếu không an toàn, dịch bệnh lại bùng phát thì mọi cố gắng sẽ trở nên vô nghĩa. Thậm chí, hậu quả là khó lường…

Câu chuyện “sống chung với lũ” giờ lại trở thành thời sự. Mục tiêu “Zero Covid” không còn phù hợp khi đợt dịch thứ tư với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây rất nhanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định đạt “không COVID-19” là rất khó khăn, kể cả ngay tại những quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở mức cao. Như vậy đồng nghĩa là chúng ta buộc phải sống cuộc sống có COVID-19. Với cuộc sống ấy, con người phải thay đổi cách tư duy, cách sống, cách làm việc và cả cách kết nối giữa người với người trong xã hội. Trên cơ sở đó, nói rộng ra, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thậm chí luật pháp cũng sẽ phải có bước thích ứng cho phù hợp “bình thường mới”.

Trong suốt quá trình chống dịch, chúng ta đã liên tục chuyển trạng thái (hình thức ứng phó dịch). Đó là linh hoạt áp dụng các nguyên tắc theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ tùy theo tình hình nguy cơ dịch bệnh ở từng địa bàn. Bây giờ, một lần nữa, chúng ta tiếp tục chuyển trạng thái, sang “bình thường mới” với việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bước chuyển trạng thái sang “bình thường mới” đòi hỏi có sự tính toán, lựa chọn sao cho phù hợp, để không thái quá, không bất cập; và cũng cần có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả cộng đồng xã hội.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết nêu nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Đây được coi là bước chuyển chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta. Thực hiện mục tiêu kép nhưng cần đặt việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn và điều kiện của đất nước. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện quyết liệt; hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Trong cuộc sống “bình thường mới” chắc chắn mỗi người dân sẽ tự tạo cho mình một thói quen mới, như việc tuân thủ thông điệp 5K. Rồi đây, “thẻ xanh COVID-19” được sử dụng hằng ngày như là lời nhắc nhở thường xuyên cho mỗi người dân./.

Phong Nguyên (nhandan.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất