Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 18/11/2008 15:5'(GMT+7)

Cơ chế mới góp phần sử dụng hiệu quả vốn ODA

Dự án Tài chính nông thôn I và II do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng vốn là 348 triệu USD (dự án TCNT I là 113 triệu USD, dự án TCNT II là 235 triệu USD).

Hai dự án này được giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm đầu mối (ngân hàng bán buôn) để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo những yêu cầu đặt ra của WB.

Kết hợp hài hòa chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh nguồn vốn ODA

Qua hơn 5 năm triển khai dự án Tài chính nông thôn II, BIDV đã phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành Dự án Tài chính nông thôn và WB lựa chọn được 25 tổ chức tín dụng tham gia dự án với tư cách là ngân hàng bán lẻ và cung cấp tín dụng cho người vay cuối cùng.

Dự án Tài chính nông thôn I, II là dự án ODA sử dụng cơ chế “ngân hàng bán buôn” đầu tiên tại Việt Nam.

Mô hình quản lý dự án đã kết hợp hài hòa giữa chức năng quản lý nhà nước về ODA với chức năng kinh doanh nguồn vốn ODA. Trong đó, công cụ quản lý nhà nước về ODA thể hiện ở các “hợp đồng vay phụ” ký kết giữa Bộ Tài chính với BIDV đối với toàn bộ nguồn vốn vay của dự án.

Chức năng kinh doanh thể hiện ở vai trò của các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp cung cấp các khoản cho vay từ nguồn vốn dự án, qua đó tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nghèo.

Nhờ áp dụng hài hòa và hiệu quả giữa mô hình quản lý cùng với cơ chế bán buôn và bán lẻ nguồn vốn ODA, nên Dự án đã huy động được tối đa nguồn vốn đối ứng của các tổ chức tín dụng tham gia.

Việc các tổ chức tín dụng tự trang trải vốn đối ứng trong dự án đã góp phần giảm thiểu gánh nặng ngân sách nhà nước trong việc bố trí vốn đối ứng hàng năm cho Dự án. Đây là lợi thế duy nhất mà các tổ chức tín dụng có được so với các PMU (ban quản lý dự án) khác hiện đang quản lý, sử dụng vốn ODA.

Tốc độ giải ngân ODA nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất

Đến nay, toàn bộ số vốn 113 triệu USD của Dự án Tài chính nông thôn I đã được giải ngân. Dự án Tài chính nông thôn II đã giải ngân được 232 triệu USD đạt 98,72% tổng số vốn vay đã ký kết.

Hai dự án này đã được WB đánh giá là những dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất từ trước đến nay. Riêng Dự án II đã được tài trợ cho trên 350.000 tiểu dự án trải rộng trên 60 tỉnh, thành phố trong nước, tạo ra trên 250.000 việc làm mới ở khu vực nông thôn. Thu nhập tăng thêm trên 1USD đầu tư từ dự án TCNT II là 0,8 USD.

Việc áp dụng cơ chế "ngân hàng bán buôn" góp phần nâng cao hiệu quả giải ngân vốn ODA - Ảnh minh họa

Do áp dụng chặt chẽ cơ chế thẩm định, giải ngân và giám sát sử dụng vốn Dự án Tài chính nông thôn theo đúng qui định của Hiệp định vay và Luật các TCTD, nên chưa phát sinh nợ quá hạn giữa 25 “ngân hàng bán lẻ” với “ngân hàng bán buôn”.

Tỉ lệ nợ quá hạn giữa người vay cuối cùng với các Ngân hàng bán lẻ chỉ chiếm dưới 1%, trong khi đó WB cho phép tới 10%. Bên cạnh việc bảo toàn 100% số vốn gốc của Dự án, BIDV đã nộp vào Ngân sách Nhà nước khoản tiền chênh lệch lãi suất bán buôn hàng trăm tỉ đồng.

Nhờ những kết quả đã đạt được nêu trên, BIDV tiếp tục được lựa chọn làm ngân hàng bán buôn cho Dự án Tài chính nông thôn III, với khoản tín dụng là 200 triệu USD, phần vốn góp của các tổ chức tín dụng tham gia Dự án và người vay lại cuối cùng là 80 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư của Dự án lên 280 triệu USD.

Ngày 14/11 vừa qua, Lễ ký Hiệp định khoản vay này đã được tiến hành, đưa tổng số vốn vay của WB do BIDV quản lý lên 548 triệu USD.

Thu hút vốn ODA thông qua ngân hàng thương mại

Từ những thành công trên, kinh nghiệm được rút ra là có thể tiếp tục vận động thu hút vốn ODA từ những nhà tài trợ khác như ADB, JBIC… thông qua các ngân hàng thương mại, do các ngân hàng thương mại có mạng lưới trải rộng khắc cả nước và hiểu rõ nhu cầu vay vốn và năng lực trả nợ của người vay.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và các ban quản lý dự án ODA cần rà soát, đánh giá lại việc sử dụng vốn ODA của mình nhằm thiết lập một hệ thống quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, nâng cao uy tín quốc gia và khả năng thu hút nguồn vốn này từ các nhà tài trợ, nhất là khi Việt Nam cần rất nhiều vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Vũ Xuân Thanh (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất