Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 2/4/2016 17:30'(GMT+7)

Có chuyển biến về vệ sinh an toàn thực phẩm

Cung cấp rau an toàn tại Hà Nội.

Cung cấp rau an toàn tại Hà Nội.

Xử lý kiên quyết sai phạm

Tại Hội nghị tổng kết đợt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết: Trong đợt triển khai thực hiện cao điểm về VSATTP, qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 13 công ty, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung (thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm) 11 công ty; một số cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan chức năng đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý. Một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm: Công ty TNHH Trường Phú (Hải Dương), Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) đã sử dụng chất cấm Salbutamol (hay còn gọi là chất tạo nạc) và Auramine (chất vàng ô); Công ty CPĐTPT Tiên Phong (Hưng Yên) có sử dụng Salbutamol; Công ty TNHH Hà Hưng (Hưng Yên) có sử dụng Auramine; Công ty TNHH Thăng Long (Hưng Yên) có 11 thùng Auramine đã sử dụng… Cũng trong đợt cao điểm, số lượng mẫu giám sát, phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm (BVTP) trong rau đã giảm 48%, tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%, ô nhiễm vi sinh trong thịt đã giảm 4% so với 9 tháng năm 2015.

Không chỉ kiểm soát các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trong nước, trong đợt cao điểm, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã tăng cường kiểm tra ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu. Cụ thể, kiểm tra 26.981 lô nguồn gốc thực vật (tổng trọng lượng là 1.443.168,125 tấn) với hơn 80 mặt hàng nhập khẩu từ 70 quốc gia; lấy 241 mẫu (rau, củ, quả) kiểm tra ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu... Tuy nhiên, không có mẫu nào vi phạm quy định về ATTP của Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất kết hợp với khai thác, sử dụng nguồn tin từ đường dây nóng đã tạo chuyển biến lớn trong việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi. Đến cuối đợt cao điểm, lực lượng liên ngành đã lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất tại 10 tỉnh, thành phố Hà Nội để phân tích chất cấm, không phát hiện mẫu nào dương tính với các loại chất cấm. Việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Bổ sung vào danh mục một số chất cấm sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi (chất vàng ô); bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các đối tượng có sử dụng chất cấm (Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015)… đã và đang đem lại hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm tra các cơ sở giết mổ trên địa bàn, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm mẫu nước tiểu dương tính chất cấm, chiếm 10% số mẫu lấy xét nghiệm, tập trung ở địa bàn của các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chống đi đôi với xây

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2016, lực lượng thanh tra Bộ NN&PTNT đã kiểm tra khoảng 70% nhà máy, cơ sở sản xuất, xử lý chất cấm, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản chia sẻ: 35 tỉnh, thành phố đến nay đã hỗ trợ xây dựng 280 chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm, trong đó có 65 cơ sở (20%) được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn an toàn để công khai tại nơi bày bán.

Ý kiến của các đại biểu tại hội nghị phần lớn đều cho rằng, việc chống các hành vi gây mất VSATTP là cần thiết. Nhưng chống cần đi đôi với xây, phải xây dựng được các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Chuỗi cung ứng thực phẩm đến với người tiêu dùng không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất được tiếp thêm động lực, sức mạnh để sản xuất các loại thực phẩm an toàn mà còn góp phần “tiêu diệt” các loại thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn, đặc biệt khi người tiêu dùng kiên quyết “nói không” với những loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc.

Ông Trần Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, muốn chống thực phẩm bẩn về lâu dài cần phải xây dựng các chuỗi nông sản ATTP. Muốn làm được điều này cần phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ chế chính sách, cơ chế khuyến khích phù hợp để nông dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Muốn sản phẩm có nguồn gốc bảo đảm, chúng ta phải tổ chức các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Hiện nay, khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn vẫn còn yếu. Mặc dù đã có nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất, chế biến nhưng hỗ trợ, chỉ dẫn để người tiêu dùng nhận biết được những sản phẩm nông nghiệp an toàn còn hạn chế, cần phải có chính sách hỗ trợ.

Đánh giá về đợt cao điểm hành động VSATTP trong nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, mục tiêu cơ bản đạt được trong đợt hành động cao điểm VSATTP đã thu được kết quả khả quan. Chúng ta có thể làm tốt hơn với cách làm phù hợp, nếu biết dựa vào dân, nhất là với sự tích cực vào cuộc của lực lượng công an (C49). Tuy nhiên, việc giới thiệu, xây dựng chuỗi, kết nối thực phẩm an toàn đến được với người dân vẫn còn chậm. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Năm 2016, toàn ngành nông nghiệp phải tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết tận gốc, căn cơ vấn đề gây mất ATTP; thực hiện trọng tâm, trọng điểm để tiếp tục ngăn chặn, triệt phá nguồn gốc chất cấm đưa vào thức ăn chăn nuôi chứ không thể làm vu vơ thì hiệu quả sẽ không cao. Cùng với đó, việc kiểm soát tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng cần được thực hiện rốt ráo. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, người tiêu dùng sẽ bị “nhờn thuốc”, kháng thuốc nếu chẳng may bị mắc bệnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ NN&PTNT đẩy mạnh thực hiện việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc, độc hại… Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2016, 100% địa phương trong cả nước xây dựng được các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM
Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất