Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 20/3/2016 15:34'(GMT+7)

Kiên Giang: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” lan tỏa sâu rộng

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang với chương trình mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang với chương trình mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Sau 7 năm (2008 - 2015) triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, tỉnh Kiên Giang thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực. Cuộc vận động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, xã hội đồng thuận, ủng hộ đã lan tỏa, sâu rộng trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chính sách xã hội nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Ban chỉ đạo tỉnh Kiên Giang cùng với Ban vận động các cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch, triển khai đến cán bộ, hội viên và nhân dân gắn với đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng xã hội về mục đích, ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động. Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Qua triển khai, quán triệt cuộc vận động, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các cấp hội chữ thập đỏ nâng lên nhận thức về yêu cầu công tác nhân đạo trong từng giai đoạn; thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của hội chữ thập đỏ trong vận động thực hiện trợ giúp địa chỉ nhân đạo. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân đồng thuận với chủ trương thực hiện cuộc vận động, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.” Nhờ sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, nhà hảo tâm, mạnh thường quân, tình nguyện viên, các tầng lớp nhân dân ngày càng tích cực, thiết thực, giúp đỡ hiệu quả những địa chỉ nhân đạo, tạo thêm nghị lực để các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Công tác khảo sát, nắm tình hình các đối tượng cần trợ giúp tại cộng đồng được các cấp thực hiện kịp thời; quy trình khảo sát đối tượng, lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo thực hiện dân chủ, công khai, tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Qua khảo sát, lập hồ sơ và bổ sung hàng năm, toàn tỉnh có 9.600 địa chỉ nhân đạo. 7.795 tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh đăng ký trợ giúp 8.875 địa chỉ và kết quả đã trợ giúp được 8.357 địa chỉ, chiếm hơn 94% so địa chỉ đăng ký trợ giúp, với tổng giá trị trợ giúp gần 23 tỷ đồng.

Các hình thức trợ giúp các đối tượng hoàn cảnh khó khăn tập trung vào xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ tiền, gạo, giống cây trồng, vật nuôi; tặng đồ dùng học tâp, xe đạp cho học sinh nghèo; cấp xe lăn, xe lắc cho người tàn tật; hỗ trợ điều trị bệnh, suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo và thân nhân nuôi bệnh… Ngoài các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng, nhiều địa phương tổ chức gây quỹ thông qua những mô hình, câu lạc bộ như: hũ gạo tình thương, nuôi heo đất, đặt thùng quyên góp nhân đạo tại các siêu thị, các điểm công cộng và vận động tài trợ các dự án chăn nuôi, sản xuất, phát triển nghề truyền thống… Các cấp, các ngành, đơn vị còn tổ chức những cuộc vận động cao điểm, mở rộng hoạt động chăm lo cho đối tượng như “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”… Các huyện Kiên Hải, Gò Quao, U Minh Thượng, Hòn Đất là những địa phương điển hình thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

Cùng với đó, nhiều nơi đã kết hợp thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với các phong trào thi đua như xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để kết nối giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo. Cụ thể là mô hình “Điểm tựa tình thương biên giới” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã nhận nuôi dưỡng 5 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 2 người già không nơi nương tựa. Khối dân vận huyện ủy và một số ban, ngành, đoàn thể các huyện Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận vận động cán bộ, công chức giúp đỡ thường xuyên một số địa chỉ nhân đạo trong huyện. Ngoài ra, Hòa thượng Trần Nhiếp, trụ trì chùa Thanh Gia (Gò Quao), Chi hội Chữ thập đỏ chùa Bửu Sơn, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp), Chi hội Giáo xứ Tân Bình, xã Bàn Tân Định (Giồng Riềng)… Các cấp hội chữ thập đỏ của tỉnh đã nỗ lực tham mưu cho cấp ủy, ban chỉ đạo cùng cấp và phát huy tính chủ động trong công tác nhân đạo, thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm với địa chỉ nhân đạo. Các hoạt động nhân đạo thu hút sự ủng hộ và khơi dậy tinh thần trách nhiệm, những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng dân cư góp phần chia sẻ những khó khăn với đối tượng địa chỉ nhân đạo, qua đó phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng dân cư.

Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Cuộc vận động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện rộng rãi trong toàn tỉnh. Sự đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã giúp những đối tượng địa chỉ nhân đạo có được nguồn an ủi, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Cuộc vận động đã góp phần quan trọng chia sẻ công tác xã hội cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.”./.


Lê Huy Hải/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất