Thứ Hai, 9/12/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Năm, 22/4/2021 10:51'(GMT+7)

Cổ động, cổ động chính trị và cổ động trực quan

CỔ ĐỘNG

Tiếng La tinh “cổ động” là Agitatio - nghĩa là tiến hành vận động, thúc đẩy…  

Kế thừa những cách giải thích như trên chúng ta có thể hiểu khái niệm cổ động như sau: Cổ động là thông tin giải thích tập trung vào một sự kiện, sư việc cụ thể, thiết thực có liên quan đến số đông người đang diễn ra trong đời sống xã hội nhằm tạo ra ấn tượng trong một nhóm người hay số đông người để cổ vũ, động viên họ tích cực hành động theo mục đích của chủ thể cổ động đã đặt ra.

Cổ động là một hoạt động mang tính xã hội và được dùng để thông tin, giải thích, cổ vũ cho bất kỳ sự kiện, sự việc xảy ra trong bất kỳ một lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thậm chí dùng để quảng cáo, rao vặt, bán hàng... Cổ động thường sử dụng lời nói, tranh, ảnh, sách, báo, khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích, tờ rơi, thơ ca, hò vè, điện ảnh, hội chợ, hội thi, triển lãm, tham quan và hoạt động văn hóa, văn nghệ của ngành văn hóa và thông tin… để cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, giải thích rõ ràng về sự kiện, hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội nhằm thu hút, lôi kéo quần chúng và thúc đẩy họ hành động nhằm đạt được mục đích của chủ thể cổ động. 

CỔ ĐỘNG CHÍNH TRỊ 

Cổ động chính trị là từ ghép giữa hoạt động cổ động với hoạt động chính trị. Tất cả những hoạt động nhằm cung cấp thông tin được trao đổi, giải thích nhằm hướng mọi người tham gia vào các quá trình xã hội gọi là cổ động xã hội, mà trước hết là thông tin phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người. Cổ động xã hội không chỉ mang dấu ấn của những nhu cầu, lợi ích, đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán của những tập đoàn hoặc nhóm người khác nhau mà còn mang dấu ấn sâu sắc của quan hệ giai cấp, dân tộc và các quan hệ giữa con người với con người. Khi xã hội phân chia thành giai cấp và xuất hiện nhà nước thì cổ động bao giờ cũng mang tính chính trị.

Thuật ngữ chính trị, có gốc từ tiếng Hy Lạp là “Politika” - nghĩa là công việc của nhà nước, là những công việc có liên quan đến nhà nước, đến xã hội. Chính là mục đích và nhiệm vụ mà các giai cấp trong xã hội theo đuổi trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp mình.

Như vậy, chính trị là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các giai cấp, cũng như các dân tộc và các quốc gia với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước; là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước và xã hội, là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, các đảng phái chính trị, các nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đương lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích của mình.

Với ý nghĩa đó, có thể hiểu khái niệm cổ động chính trị như sau: Cổ động chính trị là một bộ phận quan trọng nhất của cổ động xã hội, trước hết, nó bao trùm các sự kiện, sự việc của lĩnh vực chính trị trong đời sống xã hội, quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các quốc gia và bao gồm những sự kiện, hiện tượng có ý nghĩa chính trị diễn ra trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội (như trong kinh tế, văn hóa…).

Cổ động chính trị thường sử dụng lời nói, tranh, ảnh, sách, báo, cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ, các cụm cổ động ngoài trời, áp phích, tờ rơi, điện ảnh, hội chợ, hội thi, triển lãm, tham quan và hoạt động văn hóa, văn nghệ của ngành văn hóa và thông tin… nhưng chỉ phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của giai cấp, của dân tộc hay của một chính đảng. 

CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN 

Trực quan là một từ Hán - Việt. “Trực” có nghĩa là trực diện, toàn diện, rõ ràng, toàn bộ, sự thật hoàn toàn; “quan” có nghĩa là quan sát, nhìn thấy bằng mắt, tức đang quan sát một sự vật, hiện tượng thật. Như vậy, trực quan là quan sát trực tiếp; là có thể nhìn rõ các sự kiện, hiện tượng, sự vật bằng mắt và hiểu được, biết được nó một cách rõ ràng và đầy đủ. Trên cơ sở nêu trên, có thể hiểu: Cổ động trực quan là sử dụng các phương pháp, hình thức tác động trực tiếp, chủ yếu vào vào mắt (vào thị giác) của con người, tạo ra ở họ một ấn tượng về một vấn đề nhất định làm cho họ hiểu và hành động theo mục đích cần đạt được của công tác cổ động. 

Hiện nay, trong công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ cho các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước… những phương thức được sử dụng trong cổ động trực quan là: Quốc kỳ, Đảng kỳ, ảnh lãnh tụ, các loại cờ trang trí; khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động, cụm cổ động ngoài trời, áp phích, tờ rơi; phim ảnh, truyền hình, bảng điện tử, mạng xã hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ; hội thi, hội chợ, triển lãm; tham quan di tích lịch sử văn hóa, tham quan điển hình tiên tiến và hoạt động của các đội tuyên truyền lưu động…/.

PGS. TS. Hoàng Quốc Bảo

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất