(TG) - Những ngày vừa qua, các phương tiện thông tin truyền thông nói nhiều đến từ tu chính án, liên quan tới một sự kiện gần đây ở Mỹ.
Đó là việc Hạ viện và một số nghị sĩ "lưỡng đảng" yêu cầu Phó Tổng thống Mỹ M. Pence kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, khởi động cho việc truất phế Tổng thống. Đó là công việc nội bộ của nước Mỹ. Chúng ta không bàn (và không có thẩm quyền bàn) ở đây.
Nhưng để làm rõ về mặt ngôn ngữ, bài viết bàn về 2 từ: tu chính án và kích hoạt (tu chính án).
Trong Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2021) chỉ có từ tu chính (nghĩa Hán Việt, tu: sửa, chính: đúng) có nghĩa là "sửa sang lại cho đúng". Đây là một từ cũ, chỉ dùng trong phạm vi hẹp. Tu chính án là một kết hợp 3 thành tố (án: văn kiện, ở đây dùng chỉ "hiến pháp"), có nghĩa là "sửa đổi lại hiến pháp".
Hiến pháp (hiến: pháp luật, pháp: luật, phép tắc) là "văn bản pháp luật cơ bản của một nước, quy định những vấn đề chung nhất về chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ công dân, hệ thống tổ chức nhà nước, v.v. thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân." (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Như vậy, hiến pháp là đạo luật cơ bản, chung nhất của mỗi quốc gia. Hiến pháp phải được cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhà nước ban hành và sửa đổi, sau khi xin ý kiến của quốc dân (ở nước ta, Hiến pháp do Quốc hội thông qua). Vì vậy, hiến pháp nói chung có tính bền vững và được bảo lưu trong một thời gian dài, tuỳ theo thể chế chính trị của quốc gia đó. Tất nhiên, trong một thể chế chính trị, người ta vẫn có thể điều chỉnh nội dung hiến pháp (thường chỉ một số điều khoản) qua từng thời kì, phù hợp với tôn chỉ, đường lối, chủ trương của toàn dân trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Chẳng hạn, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa (thành lập năm 1945) đã qua 5 lần sửa đổi. Đó là Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời năm 1946. Sau đó là Hiến pháp sửa đổi năm 1959. Khi nước Việt Nam thống nhất (đổi tên là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì bản Hiến pháp mới có sửa đổi khá nhiều (trên cơ sở kế thừa hiến pháp trước đó) và tiếp tục có sự sửa đổi vào các năm 1980, 1992, 2013.
Do tầm hệ trọng và tính vững chắc của hiến pháp mà người ta thường phân biệt hiến pháp cứng và hiến pháp mềm. Hiến pháp mềm là hiến pháp có thể điều chỉnh cho phù hợp, căn cứ vào tình hình thực tế. Ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Pháp, Đan Mạch... người ta vẫn có chế độ sửa đổi một số điều của hiến pháp, gọi là tu chính án (amendment). Riêng Mỹ, hiện tại có tới 27 tu chính án. Trong số đó, tu chính án có hiệu lực sớm nhất (năm 1791, về việc Bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do kiến nghị) và Tu chính án gần đây nhất vào năm 1992 (Về việc Thay đổi lương bổng của Quốc hội). Tu chính án 25 mà hiện nay báo chí đang nhắc tới nhiều, chính là tu chính án được thông qua năm 1967 với nội dung "Phó Tổng thống được kế nhiệm khi Tổng thống không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình (vì lí do sức khoẻ hay không còn đủ năng lực lãnh đạo)".
Còn từ kích hoạt, hiện nay được sử dụng chủ yếu với nghĩa "đưa một sự vật, đối tượng hay chương trình vào trạng thái hoạt động trong máy tính" (tức liên quan tới công nghệ tin học). Tuy nhiên, kích hoạt còn có một nét nghĩa (cũ, ít dùng) là "đưa vào hoạt động". Trong câu "Phó Tổng thống M. Pence kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ" chính là dùng từ kích hoạt với nét nghĩa này.
PGS. TS. Phạm Văn Tình