Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 30/11/2011 9:43'(GMT+7)

Cô giáo Bah Nar giỏi việc trường, đảm việc nhà

Cô giáo  Y Thăch với các học trò của mình

Cô giáo Y Thăch với các học trò của mình

Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên trong thời buổi chiến tranh, từ nhỏ cuộc sống của cô Y Thăch đã gặp nhiều muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến việc học hành. Thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn đó, nên ước mơ trở thành cô giáo để có điều kiện giúp đỡ con em đồng bào thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu được cô Y Thăch ấp ủ ngay từ nhỏ.

Cô Y Thăch tâm sự: Năm 1978, ước mơ của cô đã trở thành hiện thực, khi được tuyển chọn học lớp sơ cấp sư phạm mẫu giáo tại thị xã Kon Tum, tỉnh Gia Lai- Kon Tum (bây giờ là tỉnh Kon Tum). Ra trường, sau 1 năm học tập, cô được phân công dạy tại xã Đăk La, thị xã Kon Tum (huyện Đăk Hà ngày nay) nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Được đi dạy là niềm hạnh phúc của cô, nhưng trong thời điểm đó nghề giáo viên chưa được xã hội quan tâm như bây giờ, vì vậy mà vấn đề đầu tư cho giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Từ cơ sở vật chất trường lớp đến phương tiện, đồ dùng dạy học hầu như không có gì, hơn nữa nhận thức và phong tục, tập quán của bà con đồng bào dân tộc thiểu số là đưa con theo lên rẫy để chăm sóc và chưa nhận thức được về tầm quan trọng của việc học, bà con chỉ quan tâm đến cái ăn, cái mặc nên vấn đề huy động học sinh đến lớp là rất khó khăn, phải đến từng nhà vận động, thuyết phục và kiên trì kèm cặp thì mới có học sinh đến lớp. Những năm đầu vào nghề cực kỳ vất vả, nhưng với sự yêu nghề, yêu con trẻ cô giáo Y Thăch đã động viên mình quyết tâm không nản chí bỏ cuộc nửa chừng, phải thực hiện bằng được ước mơ, tâm niệm của mình.

Kiên trì, nhẫn nại vận động, thuyết phục bà con và phối hợp tốt với chính quyền cùng các đoàn thể ở địa phương đến từng gia đình vận động, thuyết phục, phân tích rõ tầm quan trọng của việc học đối với tương lai con trẻ, đối với từng gia đình để có cơ hội vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, rồi cô giáo Y Thăch cũng thành công, nhận được sự đồng tình từ gia đình và cộng đồng xã hội. Nhận thức về việc học chữ trong đồng bào dần được thay đổi, bà con đã cho con em đến lớp. Tuy nhiên, lúc này khó khăn khác lại nảy sinh, đó là trường, lớp, bàn ghế đồ dùng dạy học… còn sơ sài, thiếu thốn, phải mượn tạm nhà dân, nhà rông, kho thóc để dạy học và di chuyển liên tục nên việc duy trì sỹ số học sinh rất khó. Để thu hút sự đam mê đến lớp của các em và duy trì được sỹ số thì phải cải thiện được trường lớp và phương tiên dạy học. Lại tiếp tục một cuộc vận động mới, cô Y Thăch đến từng gia đình, tổ chức, cá nhân trên địa bàn vận động đóng góp ngày công vật liệu để sửa chữa trường lớp, đóng bàn ghế cho các em, bản thân cô tự tay làm đồ dùng dạy học cho các em, như đàn Tơ rưng, nhà rông, xe ô tô… để các em học tập, vui đùa. Sau 3 năm công tác tại xã Đăk La, cô đã góp phần to lớn trong việc thay đổi nhận thức trong các bậc phụ huynh về việc học tập, góp phần xây dựng nền tảng thế hệ trẻ có kiến thức trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong học trò, các bậc phụ huynh cũng như chính quyền địa phương về tinh thần tận tụy của mình đối với nghề, với con trẻ.

Năm 1981, cô được điều động về dạy tại trường mẫu giáo phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum, được phân công dạy lớp học sinh dân tộc thiểu số. Bằng kinh nghiệm tích lũy được sau 3 năm dạy học sinh dân tộc thiểu số ở xã Đăk La, vận dụng vào lớp học mới, cô đến gặp già làng, trưởng thôn và từng gia đình để vận động, thuyết phục cho con em đến lớp. Bản thân cô, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ qua các lớp tập huấn, đào tạo của ngành giáo dục địa phương tổ chức, từng bước thay đổi phương thức giáo dục theo hướng trực quan sinh động và nắm rõ tâm lý của học trò để có phương pháp giáo dục gần gũi, dễ hiểu với các em, tạo cho các em có sự đam mê khi đến lớp. Thành công với lớp học mới chưa được bao lâu, năm 1992, cô được phân công về trường Mẫu giáo phường Thống Nhất, thị xã Kon Tum (thành phố Kon Tum hiện nay) và được giao nhiệm vụ dạy tại điểm trường làng Kon Tum Knâm. Đây là địa bàn có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế- xã hội còn khó khăn, vất vả, bà con chưa có thói quen cho con đi trẻ, thường để ở nhà hoặc đưa con theo lên rẫy 2- 3 ngày mới về. Tìm hiểu, nắm bắt được những khó khăn của bà con, cô lại tiếp tục công tác thuyết phục, vận động bà con cho con trẻ đến lớp, đề xuất với lãnh đạo nhà trường và ngành giáo dục cho thành lập lớp học bán trú để tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi đi làm.

Được lãnh đạo nhà trường và ngành giáo dục chấp nhận, cô vận động các tổ chức, cá nhân và phụ huynh đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng trường lớp đóng bàn ghế, làm đồ dùng dạy học và mua soong, nồi, chén bát… để các em được ở bán trú với điều kiện tốt nhất. Trước việc làm trách nhiệm, có lợi cho cộng đồng và từng gia đình, nhất là giúp cho những em có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp trong tình thương yêu, đùm bọc, cô đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ gia đình, chính quyền và xã hội. Có nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã đến điểm trường của cô để đóng góp, giúp đỡ bằng vật chất và tiền bạc để xây dựng, sữa chữa trường lớp và trang bị đồ chơi cho trẻ. Trong đó, đáng ghi nhận có anh Ngíp Ram- Việt kiều (nguyên là dân của làng) làm việc tại Hội từ thiện Monaco, Pháp đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và vật chất để xây dựng phòng học, sân chơi cho điểm trường. Về phía phụ huynh, đối với những gia đình có điều kiện, cô vận động đóng góp tiền ăn, còn đối với gia đình khó khăn thì tùy vào điều kiện có được như đóng góp lương thực, thực phẩm như lúa, ngô, sắn, gà, bí, bầu… để bữa ăn các cháu đầy đủ hơn.

Ký ức về những ngày đầu (năm 1993) khi mới thành lập điểm trường làng Kon Tum Knâm với cơ sở vật chất trường lớp hầu như không có gì, chỉ có một lớp học chung cho các độ tuổi mẫu giáo với 35 cháu trong nhôi nhà tạm tranh tre, thì đến năm 1995, với sự vận động tích cực của cô, một lớp học nhà sàn, nhà ăn đã được xây dựng, học trò đã tăng trên 70 cháu với 03 lớp học mầm- chồi- lá đầy đủ và đến nay 02 dãy lớp học và sân chơi được xây dựng khang trang, sạch đẹp, thoáng mát, 100% con em đồng bào trong độ 05 tuổi đều được đến lớp, các em đều biết viết, biết nói tiếng phổ thông rành rọt. Những tiếng chào cô, chào bác, chào chú… của các em thơ khi chúng tôi đến thăm ngôi trường xinh xắn của cô như minh chứng cho những lời tâm sự của cô.

Nặng nhọc, vất vả, nhưng hạnh phúc vì thấy các cháu đi học đều đặn, 100% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo của thôn Kon Tum Knâm đều được đến lớp, các cháu ngày một gọn gàng, sạch sẽ và khỏe mạnh hơn, đã biết vâng lời cô giáo, bố mẹ, nhất là các cháu đã biết đọc, biết viết tiếng phổ thông chuẩn bị hành trang bước vào lớp 01, đó là kết quả lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của cô. Hơn nữa, ngày nay, sau hơn 32 năm gắn bó với nghề, nhìn thấy những thế hệ học trò ngày xưa đã trưởng thành, có em làm giáo viên, làm cán bộ, có việc làm, có gia đình hạnh phúc lòng cô mãn nguyện vì đã thực hiện được ước mơ làm giáo viên của mình- Những lời tâm sự thật thà, trách nhiệm của cô Y Thăch làm chúng tôi như được chia sẻ niềm vui.

Tìm hiểu, chúng tôi còn biết được, cô Y Thăch không những là “nhà giáo ưu tú” tận tụy vì sự nghiệp “trồng người” ở địa phương, mà cô còn là người vợ, người mẹ đảm đang của gia đình. Ngoài những giờ đến lớp, tranh thủ lúc rảnh rỗi cô giúp chồng làm nương rẫy để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện với gần 2,5 ha cao su, 03 ha sắn và trên 03 ha đất trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm thu nhập hàng năm của gia đình cô có trên 50 triệu đồng, đủ để trang trải việc học hành cho 05 người con. Điều đáng trân trọng ở cô, mặc dù trước đây hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, chồng làm nông cộng với suất lương ít ỏi của cô, nhưng cô vẫn lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Hiện một người đã lập gia đình và bốn người con còn lại đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, trung học phổ thông tại Kon Tum.

Từ trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy và cách làm hiệu quả của mình, điểm trường mầm non Kon Tum Knâm được Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Kon Tum đánh giá cao về chất lượng nuôi dạy con trẻ đồng bào dân tộc thiểu số, được chọn làm mô hình hay để nhân rộng trong toàn tỉnh, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với tinh thần trách nhiệm và những thành tích của mình trong công tác, từ năm 1985 đến nay, cô giáo Y Thăch được ngành giáo dục tỉnh công nhận là giáo viên giỏi, giáo viên xuất sắc cấp tỉnh, được ngành giáo dục và UBND tỉnh, Bộ Giáo dục đào tạo tặng Bằng khen, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo ưu tú năm 2008, được Tỉnh ủy Kon Tum và Trung ương Cuộc vận động tôn vinh, biểu dương là gương điển tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Lê Văn Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất