Ngành công nghiệp không gian Mỹ đã và đang tích cực vận động Washington dành ngân quỹ riêng cho hoạt động này. Những khoản chi cho kế hoạch phòng thủ tên lửa chỉ là một phần của số tiền khổng lồ để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trong không gian.
Kể từ Thế chiến II, hàng trăm tỉ USD đã được chi cho nghiên cứu và triển khai cái gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars). Khi Bill Clinton bước vào Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu năm 1993, ông trịnh trọng tuyên bố khai tử Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) mỗi năm ngốn tới 3,5 tỉ USD của Reagan.
Nhưng sau đó ông lại lặng lẽ thành lập Tổ chức Phòng thủ Tên lửa đạn đạo (BMDO) và chuyển 3,5 tỉ USD cho tổ chức có chức năng triển khai vũ khí không gian mới này. George W. Bush kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống với việc đổi tên thành Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) với ngân sách hàng năm lên tới 10 tỉ USD.
Con số trên chưa tính đến khoản tiền chi cho các chương trình công nghệ vũ trụ tại Cơ quan Do thám Quốc gia (NRO), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Bộ Năng lượng, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) và những tổ chức khác. Tính toán một cách khiêm tốn thì ngân sách hàng năm chi cho công nghệ vũ trụ quân sự lên đến khoảng 75 tỉ USD.
Đối với Lầu Năm góc thì cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần đầu tiên vào đầu thập niên 1990 cũng là cuộc chiến tranh không gian đầu tiên, khi mà Mỹ thử nghiệm được những công nghệ mới và bắt đầu thực hiện học thuyết "thống trị toàn diện". Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, 70% vũ khí được sử dụng trong đợt tấn công đầu tiên được điều khiển đến mục tiêu thông qua các vệ tinh quân sự. Chiến tranh trên mặt đất ngày nay được điều phối từ vũ trụ.
Nhưng có một vấn đề là nếu Mỹ có thể làm được như vậy thì các nước khác tại sao lại phải kém cạnh? Chính điều đó đã khiến Lầu Năm Góc nhiều năm tìm đủ mọi cách để buộc các nước khác không được sử dụng vũ trụ.
Theo tài liệu "Kế hoạch tổng thể chiến lược: FY06 và sau đó" của Bộ chỉ huy Không lực Vũ trụ Mỹ, thì "khả năng giành ưu thế trong không gian (khả năng khai thác vũ trụ trong khi cấm các đối thủ một cách có chọn lọc) có tầm quan trọng đặc biệt và duy trì ưu thế trong không gian là điều kiện tiên quyết sống còn để thành công trong chiến tranh hiện đại. Chúng ta cần nhanh chóng khuất phục bất cứ khả năng vũ trụ nào của bất cứ đối thủ có khả năng nào trong khi duy trì khả năng của chúng ta".
Nguy cơ "chiếm dụng tài sản" trong không gian của các quốc gia đã dẫn đến giai đoạn mới nguy hiểm trong cuộc tranh đua vũ trang trong vũ trụ. Việc thử nghiệm sơ bộ vũ khí chống vệ tinh (ASAT) của Trung Quốc năm 2007 là lời cảnh báo rằng Mỹ không thể là "ông chủ vũ trụ" (Master of Space) giống như dòng chữ trên logo của Bộ chỉ huy Không lực Vũ trụ Mỹ.
Năm 2008, lấy cớ tiêu diệt một vệ tinh rơi, Mỹ đã cho cả thế giới thấy khả năng hạ gục một vật thể trong vũ trụ. Hải quân Mỹ đã phóng tên lửa từ một tàu khu trục Aegis và bắn trúng chiếc vệ tinh hỏng trong vũ trụ. Vụ bắn này là lời cảnh báo rõ ràng đối với Nga và Trung Quốc rằng hệ thống phòng thủ tên lửa trên tàu khu trục có khả năng tấn công và sẽ được sử dụng như một phần trong học thuyết tấn công phủ đầu của Mỹ.
Mỹ và các đồng minh Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã triển khai các tàu khu trục Aegis bao vây khu vực duyên hải của Trung Quốc. Trung Quốc cũng biết rõ rằng Bộ chỉ huy Không lực Vũ trụ Mỹ năm nào cũng tiến hành tập tấn công phủ đầu mà mục tiêu là Trung Quốc.
Trong một trò chơi trên máy tính lấy bối cảnh năm 2016, Mỹ sẽ sử dụng công nghệ đang được phát triển có tên gọi là "máy bay quân sự vũ trụ" để tấn công. Vũ khí này sẽ có khả năng cất cánh như máy bay, vượt qua không gian để đến phía bên kia bán cầu sau một giờ, thực hiện oanh kích và quay trở lại căn cứ. Lầu Năm góc "giao bán" chiếc máy bay vũ trụ này cho Quốc hội Mỹ để thay thế những tàu con thoi quá đắt và đã lỗi thời.
(Còn tiếp)
Theo Lao Động điện tử