Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 31/3/2010 9:40'(GMT+7)

Cơ hội chữa mù cho 300.000 người

Một ca ghép giác mạc tại bệnh viện Mắt Trung ương

Một ca ghép giác mạc tại bệnh viện Mắt Trung ương

Theo số liệu của bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), Việt Nam hiện còn khoảng 300.000 người cần ghép giác mạc. Tuy nhiên, hàng năm bệnh viện chỉ tiến hành ghép giác mạc được cho 100 – 150 ca, và nguồn giác mạc chủ yếu từ các tổ chức quốc tế tài trợ hoặc các đồng nghiệp quốc tế gởi tặng.

Một tiện ích lớn cho người bệnh

ThS.BS Phạm Ngọc Đông, giám đốc ngân hàng Mắt cho biết, khi những người bị bệnh giác mạc không thể điều trị nội khoa, cách duy nhất là phẫu thuật ghép giác mạc, “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bị các bệnh lý giác mạc, song ở Việt Nam chủ yếu là do các bệnh về nhiễm trùng, sau chấn thương, bệnh bẩm sinh…”, bác sĩ Đông nói. Tại Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc đã được thực hiện từ những năm 1950. Năm 2005, được sự giúp đỡ của tổ chức ORBIS quốc tế, bệnh viện Mắt Trung ương có điều kiện nhiều hơn để đào tạo cán bộ chuyên sâu và chuẩn bị mọi thứ cho việc lập một ngân hàng mắt (eye bank). “Tuy nhiên, số giác mạc được tài trợ không đủ nhu cầu thực tế. Hơn nữa, việc bảo quản, vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn. Đứng trước thực tế nhiều người có tấm lòng nhân ái đã tình nguyện hiến đôi mắt của mình khi qua đời, chúng tôi chợt nghĩ tại sao không lấy giác mạc người Việt để cấy ghép cho chính người Việt. Đó cũng là khởi xuất cho ý tưởng xây dựng một ngân hàng mắt đầu tiên ở Việt Nam”, bác sĩ Đông chia sẻ.

Theo bác sĩ Đông, trước đây không có ngân hàng mắt nên không ít người đã chán nản, tuyệt vọng, bỏ không đăng ký phẫu thuật vì không biết đến bao giờ mới có giác mạc để ghép. Nhiều người bệnh ở xa không có điều kiện điều trị, đành cam chịu sống trong cảnh mù loà hoặc bỏ mặc cho bệnh càng trầm trọng thêm. Số lượng người mù do các bệnh lý giác mạc tồn đọng hàng năm ngày càng tăng cao.

Chi phí chỉ khoảng bốn triệu đồng

Người đầu tiên hiến giác mạc 83 tuổi

Năm 2000, bệnh nhân Nguyễn Thị Khuy (Dăk Lăk) bị hạt bụi bay vào mắt. Khó chịu nên chị tự ý mua thuốc nhỏ mắt để rửa. Sau nhiều ngày đau nhức, mắt trái đột ngột không thấy đường. Khám tại bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bị sẹo giác mạc, chỉ còn hy vọng cứu chữa duy nhất là ghép giác mạc. Sau bảy năm chờ đợi, ngày 10.4.2007, chị Khuy đã được ghép giác mạc, do một bà cụ 83 tuổi mới qua đời hiến tặng. Đây cũng là người đầu tiên ở Việt Nam hiến tặng giác mạc.

Bác sĩ Đông cho biết sự ra đời của ngân hàng Mắt là tiền đề quan trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu không chỉ của các bác sĩ nhãn khoa mà của hàng trăm ngàn bệnh nhân mù loà do bệnh lý giác mạc đang chờ ghép tại Việt Nam. Theo đó ngân hàng Mắt sẽ có chức năng tiếp nhận, đánh giá chất lượng, phân loại, lưu giữ, bảo quản và phân phối giác mạc, các mô của mắt đến tất cả các cơ sở có điều kiện và khả năng ghép giác mạc. Giác mạc được tiếp nhận sau khi người hiến qua đời (trong vòng 6 – 8 tiếng là tốt nhất). Công đoạn lấy giác mạc chỉ từ 15 – 30 phút và không làm thay đổi khuôn mặt người chết. Giác mạc lấy được sẽ bảo quản trong lọ dung dịch đặc biệt để giữ nguyên chất lượng.

Tính đến nay, bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép được 136 giác mạc từ 69 người hiến tặng và khoảng 10.437 người đã đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm nguồn giác mạc, ngân hàng Mắt cũng rất mong nhận được sự đóng góp giác mạc thông qua đường dây nóng tiếp nhận: 04.39454799. “Ngân hàng mắt là tổ chức phi lợi nhuận. Tuyệt đối nghiêm cấm mọi hoạt động mua bán nên chúng tôi sẽ không trả tiền cho người hiến và gia đình. Bệnh nhân ghép giác mạc chỉ mất một khoản chi phí khoảng trên bốn triệu đồng”, bác sĩ Đông nói.

SGTT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất