Thứ Năm, 28/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 24/11/2012 19:55'(GMT+7)

Cơ hội của Palestine ở LHQ đang đến gần

Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại New York (Ảnh: inetours.com)

Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại New York (Ảnh: inetours.com)

Ngày 29/11 tới, trong nỗ lực đạt mục tiêu trở thành nhà nước Palestine độc lập, chính quyền Palestine của Tổng thống Mamoud Abbas sẽ chính thức đề nghị lên Liên Hợp Quốc công nhận quy chế Nhà nước quan sát viên cho Palestine.

Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết, Nga công nhận Palestine là một quốc gia độc lập và sẽ ủng hộ đề xuất của nước này khi xin trở thành nhà nước quan sát viên của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Lukashevich cho biết, nếu các nhà lãnh đạo Palestine đưa ra quyết định chính trị này thì đây là quyền lợi của họ và Nga sẽ ủng hộ nguyện vọng này của Palestine.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cho biết, Pháp sẽ ủng hộ những nỗ lực của Palestine nâng cấp quy chế ngoại giao tại Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng fabius khẳng định: “Tổng thống Francois Hollande nhận định sẽ có một sự công nhận quốc tế về một nhà nước Palestine. Pháp là một người bạn của Israel và của nhân dân Palestine. Điều mà nước Pháp luôn mong muốn đó là an ninh của Israel và quyền của Palestine có một nhà nước hiện thực, dân chủ và hòa bình”.

Ngày 23/11, hàng nghìn người tụ tập tại thủ đô La Paz của Bolivia bày tỏ sự ủng hộ với việc Palestine xin nâng cấp quy chế tại Liên Hợp Quốc. Những người biểu tình nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ việc Palestine nâng cấp lên nhà nước quan sát viên tại Liên Hợp Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng, ngày 29/11 tới, tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, các nước sẽ ủng hộ việc công nhận một nhà nước Palestine dân chủ, không phân biệt chủng tộc, như khẩu hiệu của Chính quyền Palestine đưa ra trong những năm 70 của thế kỷ trước”.

Còn ở trong nước, các phe phái Palestine dự kiến sẽ tiếp tục các vòng đàm phán mới tại Ai Cập về việc thành lập chính phủ đoàn kết trong vài ngày tới. Sự đoàn kết giữa các phe phái ở Palestine vào thời điểm này là rất quan trọng. Trong bối cảnh sắp diễn ra kỳ họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi sẽ quyết định có trao cho Palestine quy chế Nhà nước quan sát viên hay không, việc xây dựng một hình ảnh đất nước đoàn kết và thống nhất trong con mắt cộng đồng quốc tế là cần thiết.

Sau khi không thành công trong nỗ lực đề nghị Liên Hợp Quốc trao quy chế thành viên chính thức do Mỹ bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2011, chính quyền của Tổng thống Abbas vẫn không từ bỏ quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc lập. Động thái tiếp theo đề nghị được trao quy chế Nhà nước quan sát viên mà ông Abbas đang thúc đẩy được cho là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Palestine để đạt được nguyện vọng và ước mơ chính đáng này.

Để được công nhận là nhà nước phi thành viên, Palestine phải nhận được sự đồng ý của 2/3 số nước thành viên Liên Hợp Quốc. Đến nay, đã có khoảng 130 quốc gia lên tiếng ủng hộ nhà nước Palestine độc lập và con số này dự kiến sẽ chưa dừng lại. Cơ hội giành đủ số phiếu cần thiết của Palestin được đánh giá khá lạc quan. Điều quan trọng là tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Mỹ không có quyền phủ quyết và quá trình bỏ phiếu tại đây không cần thông qua Hội đồng Bảo an./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất