Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 31/10/2018 14:59'(GMT+7)

Cơ hội nào cho phim Việt ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội?

Một cảnh trong phim 'White balloon.' (Ảnh: BTC)

Một cảnh trong phim 'White balloon.' (Ảnh: BTC)

Có thể nói kỳ liên hoan năm nay đã bước lên thêm một tầm mới trong việc lan tỏa và thu hút được những tác phẩm thực sự có giá trị.

Giá trị nằm ở cảm xúc

"Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, thông minh trong sự thể hiện tác phẩm điện ảnh thì một bộ phim có thể chạm tới cảm xúc của người xem sẽ thực sự có giá trị," nhà điện ảnh Phần Lan Jukka Pekka Laakso, Trưởng Ban giám khảo hạng mục phim dài và phim ngắn cho biết như vậy.

Như “Ellipsis” (Giản đơn) của David Wenham. Bộ phim được làm vỏn vẹn trong 10 ngày. Ba ngày đầu David dùng để nói chuyện với hai diễn viên về ý tưởng kịch bản, về nhân vật của họ, và chỉ có 7 ngày để hoàn thành bộ phim. David Wenham cho biết, ông muốn làm một tác phẩm chân thật, các diễn viên được thể hiện câu chuyện với những người hoàn toàn xa lạ, không sắp đặt trước.

Không chỉ quy tụ những tác phẩm chân thật về cảm xúc, Liên hoan phim còn là địa chỉ cho những bộ phim có đề tài nhạy cảm gặp khó khăn trong vấn đề kiểm duyệt của một số nền điện ảnh như Indonesia, Iran, Thái Lan.

Các nhà sản xuất đã chọn cách không công chiếu trong nước, mà mang “đứa con” của mình đi tham dự các Liên hoan phim quốc tế, rồi khi thuận lợi hơn mới đưa bộ phim về trình chiếu trong nước.

Như “The dark room” (Buồng tối) là tác phẩm có đề tài nhạy cảm ở Iran. Đạo diễn Seyedrouhollah Hejazi cho hay, anh đã lựa chọn cách kể chuyện để hạn chế bị kiểm duyệt, đó là bắt đầu bằng câu chuyện bà mẹ và con của mình trong căn phòng tối.

Hay phim ngắn “When smoke collides” (Khi làn khói chạm) thể hiện khá nhiều quan điểm cá nhân của đạo diễn người Thái Lan Vorakorn Ruetaivanichkul. Đạo diễn tiết lộ, khán giả đã quá quen với những vai diễn đồng tính có tính cách hoặc hài hước, hoặc đầy dục vọng… trong các bộ phim Thái Lan. Vì vậy, anh muốn khai thác tuyến nhân vật này ở góc độ khác, tình hơn và nhân văn hơn.

Cảnh trong phim 'Nhắm mắt thấy mùa Hè.' (Ảnh: Đoàn làm phim)
Cảnh trong phim 'Nhắm mắt thấy mùa Hè.' (Ảnh: Đoàn làm phim)

Cơ hội nào cho phim Việt?

Vì Liên hoan phim quốc tế Hà Nội chỉ chấp nhận những phim chưa dự thi ở các Liên hoan phim châu Á, nên cơ hội cho phim truyện dài Việt Nam dự thi lần này dành cho nữ đạo diễn trẻ Cao Thùy Nhi (sinh năm 1989) với bộ phim đầu tay dễ thương “Nhắm mắt thấy mùa Hè.”

Thể hiện rõ nét phong cách của người trẻ, hình ảnh và âm nhạc chau chuốt kỹ lưỡng nhưng kịch bản và diễn xuất của diễn viên còn khiên cưỡng, bộ phim đến với cuộc thi năm nay như một cơ hội cọ sát hơn là thi đấu ăn giải.

“Bộ phim ‘Nhắm mắt thấy mùa Hè’ không chạy theo hài nhảm, không cảnh nóng. Phim mang tiếng nói bình dị, nhẹ nhàng, đề cao tình cảm gia đình, tình yêu. Mặc dù phim có bối cảnh phần lớn tại Nhật Bản, nhưng được cài cắm rất nhiều hình ảnh mang nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Ví dụ, tà áo dài của Hạ, mâm cơm của gia đình Việt Nam truyền thống…” đạo diễn trẻ cho biết.

Các “đối thủ” của Thùy Nhi trong số 11 phim dài còn lại đáng chú ý có “Muối đang rời xa biển” (Salt is leaving the sea) - phim về tình yêu với câu chuyện độc đáo của đạo diễn Ertanto Robby Soediskam (Indonesia); “Nữ sinh A” (Studen A) của nữ đạo diễn Hàn Quốc Lee Kyung- sub nói về sự xung đột trong thế giới thực và ảo của trò chơi trực tuyến…

Và chắc chắn không thể bỏ qua những đạo diễn gạo cội như Karen Georgievich Shakhnazarov (Nga) với “Anna Karenina: Chuyện kể của Vronsky” hay “Eva”của đạo diễn Benoit Jacquot (Pháp)…

Tuy nhiên ở mảng phim ngắn, cơ hội dành cho các đạo diễn trẻ Việt Nam nhiều hơn khi tham dự tới 10 phim, trong đó có những gương mặt trẻ nhưng đã chinh chiến ở một số Liên hoan phim quốc tế như Nguyễn Lê Hoàng Việt với “Bạn cùng phòng” và Đoàn Hồng Lê với “Gần mà xa - Khu rừng của tổ tiên”…/.

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V này thu hút phim từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với số lượng lên tới 147 phim. Trong đó, Việt Nam có 1 phim dài, 10 phim ngắn dự thi, 35 bộ phim ở các thể loại được tuyển chọn để chiếu trong Chương trình Điện ảnh toàn cảnh (Panorama) và Chương trình Phim Việt Nam đương đại.
Theo VietNam+
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất