(TG) - Trong hai ngày 28 và 29/10, tại
Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối
hợp với Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức hội thảo
"Các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam" .
Hội thảo là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam 2020".
Đồng chí Trần Đắc Lợi, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham gia chương trình có 70 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng Trung ương và một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá kết quả cũng như những bài học kinh nghiệm của Việt Nam sau năm năm gia nhập WTO; phân tích các cơ hội và thách thức khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trên các mặt sản xuất, đầu tư, thương mại, văn hóa-xã hội và đối với chủ quyền quốc gia của Việt Nam; làm rõ thêm các yêu cầu đặt ra đối với tiến trình đàm phán, tái cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm được các mục tiêu và lợi ích quốc gia khi tham gia các hiệp định này.
TS. Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương trình bày tại Hội thảo về những vấn đề đặt ra đối với tiến trình đàm phán của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó lưu ý đến những vấn đề khi các doanh nghiệp tham gia FTA thế hệ mới, như: Cắt giảm thuế quan, xoá bỏ 100% các dạng thuế, trong đó xoá bỏ ngay ít nhất 90% số dòng thuế khi hiệp định có hiệu lực; các biện pháp SPS, TBT, siết chặt các yêu cầu vệ sinh dịch tễ và rào cản kĩ thuật, tăng cường minh bạch hoá; Dịch vụ và Đầu tư, đàm phán mở cửa thị trường theo phương thức tiếp cận chọn bỏ, tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc thiết lập các yêu cầu mới; vấn đề Quyền sở hữu trí tuệ, tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí thuệ cho chủ sở hữu cao hơn so với mức trong WTO (WTO+); các vấn đề lao động, quyền tự do lập hội (nghiệp đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.
Theo TS. Lương Hoàng Thái, những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi tham gia FTA sẽ là:
Về thuận lợi: Thúc đẩy xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài; tăng trưởng kinh tế, việc làm; phát triển giáo dục, văn hoá, xã hội; thay đổi hệ thống pháp lý một cách rõ ràng, minh bạch hơn; tái cơ cấu nền kinh tế; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực, thế giới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy quan hệ với các đối tác chủ chốt.
Về khó khăn: Các vấn đề mới, phi thương mại; thay đổi hệ thống pháp luật trong nước; khả năng dễ bị tổn thương của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; thu hẹp không gian điều chỉnh chính sách; khả năng tuân thủ những tiêu chuẩn cao và năng lực thi cam kết; nguồn lực đàm phán; minh bặch hoá; giảm thu ngân sách.
Để khắc phục những điểm trên các doanh nghiệp cần xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ đàm phán chuyên nghiệp; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực nghiên cứu, học hỏi tiếp cận các FTA thế hệ mới trên thế giới, đặc biệt các FTA do các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đàm phán, ký kết trong thời gian tới. Nâng cao năng lực, tham vấn, cung cấp thông tin, tạo khả năng tiếp cận cho doanh nghiệp để phục vụ công tác đàm phán. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và sửa đổi theo nguyên tắc đảm bảo nâng cao minh bạch hoá, cải cách hành chính, dễ dự đoán, loại bỏ những cản trở thương mại. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, những tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan đến Hiệp định FTA thế hệ mới./.
Duy Hưng