Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 8/2/2017 20:59'(GMT+7)

Có nên chấp nhận “bún mắng, cháo chửi” trong xã hội văn minh?

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” thời gian gần đây tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Phải khẳng định rằng, đó không phải là “bản sắc” và càng không thể là phong tục, tập quán của người Việt Nam, nhất là đối với người Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Tuy nhiên, “bún mắng, cháo chửi” vẫn mặc nhiên tồn tại ở Hà Nội bấy lâu nay, bất chấp ý kiến dư luận. Sở dĩ nó “có đất tồn tại” chính là vì vẫn còn một số người cổ vũ, đặc biệt là giới trẻ, khi họ cho đó là sự “phá cách” “khác người”,  thậm chí là một nét “đặc sắc”, “điểm nhấn” riêng có, một “nghệ thuật khác biệt” trong cơ chế thị thường nhằm hút khách... (!)

Trong một lần công tác ở Hà Nội, bạn dẫn tôi đi thưởng thức “bún mắng”, dù không muốn... bị chửi nhưng vì tò mò và qua lời giới thiệu khá “hấp dẫn” của bạn nên tôi đồng ý đến một lần cho biết. Có thể nói món bún chả ở đây khá ngon nhưng cái cách mà người bán hàng giao tiếp, phục vụ khách hàng thì không thể chấp nhận được. Hành vi và lời nói của họ rõ ràng là xúc phạm và thiếu văn hóa đối với người khác, bản thân tôi thì thực sự không thấy thoải mái một chút nào, nhưng điều lạ là không ít người vào hàng ăn lại cảm thấy đó là một điều bình thường, thậm chí có những bạn trẻ dường như còn thích thú, cười nói vui vẻ sau khi nhận được một xuất hàng ăn kèm theo những lời lẽ chua ngoa, khó chịu của người bán. Tôi chợt liên tưởng đến những hình ảnh trên phim truyền hình và “giai thoại” về một số cô mậu dịch viên tự cho mình cái “đặc quyền” ban phát cho đoàn người xếp hàng thời tem phiếu.    

Một trong những phương châm kinh doanh có văn hóa mà hầu hết những người tham gia vào thương trường đều thuộc nằm lòng chính là phải luôn coi “khách hàng là thượng đế”. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước ta, cơ chế thị trường sẽ tự đào thải những điều đi ngược lại giá trị chung, hay nói khác đi là xã hội sẽ không chấp nhận những hành vi chỉ vì lợi nhuận mà coi những biểu hiện phản văn hóa là “nghệ thuật” kinh doanh. Vì vậy, không thể coi “bún mắng, cháo chửi” là nét “đặc sắc riêng” hay gì gì đó như một vài người đánh giá. Theo tôi, đây là hành vi thể hiện của sự xuống cấp về văn hóa trong một bộ phận công dân, biểu hiện qua sự ứng xử thô lỗ, giao tiếp khiếm nhã, phát ngôn bậy bạ... và sự chấp nhận nó của một nhóm người - coi đó là bình thường. Một xã hội văn minh, tiến bộ phải là một xã hội đề cao văn hóa, tôn trọng văn hóa.

Điều đáng nói ở đây là khi đại diện chính quyền ở Hà Nội quyết tâm răn đe, xử phạt các “hàng mắng, quán chửi” này vì mục đích xây dựng một môi trường kinh doanh có văn hóa, thì không ít người lại lên tiếng phản đối, với lập luận ngụy biện, rằng nền kinh tế thị trường thì phải để cho khách hàng được toàn quyền lựa chọn, sao lại cấm đoán; rằng “chửi mắng” không phải là hành động vi phạm pháp luật, nên chính quyền không có quyền can thiệp; rằng “bún mắng, cháo chửi” tồn tại là vì “thượng đế” - những người bỏ tiền ra để tìm “cảm giác khác lạ” chấp nhận.v.v...  Thực tế cũng cho thấy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã tỏ ra khá lúng túng trong việc chấn chỉnh, xử lý hành vi phi văn hóa này.

Theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần cương quyết hơn trong việc chấn chỉnh, xử lý và dần xóa bỏ những quán ăn phục vụ theo kiểu... không giống ai này. Quyền dân chủ và tự do của mỗi cá nhân và nhóm người không đồng nghĩa với việc đi ngược lại những giá trị văn hóa, đi ngược lại tính nhân văn, chỉ vì chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận nhỏ những người không mang tính đại diện cho cộng đồng.

Chính quyền cần mạnh tay xử phạt hành chính đối với hành vi thiếu văn hóa theo quy định hiện hành, đồng thời có thể đóng cửa đối với những địa điểm kinh doanh tái phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông báo chí nên vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân, nhất là giới trẻ hiểu đúng về những giá trị cốt lõi của văn hóa; phê phán, phản bác hành vi chửi, mắng người khác, dù trong bất cứ hoàn hoàn nào đều không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt...

Sự ô nhiễm về môi trường văn hóa thường bắt đầu từ những hành động tưởng là rất nhỏ trong thái độ và những hành vi thiếu văn hóa, cũng như sự chấp nhận những hành vi đó trong cuộc sống, xã hội. Điều này không những tác động tiêu cực đến việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, thanh lịch, văn minh của người Hà Nội mà còn đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nền tảng đạo đức tinh thần của xã hội văn minh, tiến bộ./.

Vĩnh Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất