Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư cùng lãnh đạo các sở, ban ngành TP. Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Bình Dương tiếp đoàn.
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Đinh La Thăng cho rằng, đối với đô thị đặc biệt 13 triệu dân như TPHCM thì việc tổ chức lại không gian phát triển rất quan trọng, quyết định chất lượng sống của người dân; đặc biệt là các vấn đề về giao thông, y tế, môi trường, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Theo Bí thư Đinh La Thăng, mô hình phát triển đô thị của Bình Dương đáng suy nghĩ để TPHCM học tập. Trước hết là học tập kinh nghiệm tổ chức xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhu cầu này rất lớn đối với TPHCM; trong đó có mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng.
“Người lao động góp phần vào sự tăng trưởng của TPHCM rất lớn nên điều kiện chỗ ăn, chỗ ở cho người lao động hết sức quan trọng”, đồng chí Đinh La Thăng nêu và cho rằng TPHCM muốn học tập kinh nghiệm của Bình Dương, kể cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công.
Thông tin tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương có 2 triệu dân, trong đó gần 52% dân nhập cư. Tỉnh Bình Dương triển khai 85 dự án chương trình nhà ở xã hội với diện tích 3,9 triệu m² sàn nhà ở; trong đó có 43 dự án thuộc đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 3,1 triệu m²; tổng lượng căn hộ là 70 ngàn căn với tổng vốn đầu tư là 12,1 ngàn tỷ đồng.
“Đây là mộ hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đầu tư và đưa và sử dụng với giá bán ưu đãi, phù hợp với thu nhập của người lao động”, ông Trần Thanh Liêm cho hay.
Theo ông Trần Thanh Liêm, đến nay đã có 25 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích hơn 491.000 m² sàn nhà ở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp có đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích 270.000 m² sàn. Như vậy, từ đầu năm 2011 đến nay, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của Bình Dương đạt trên 761 ngàn m².
“Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương là quy hoạch và chuẩn bị rất sớm quỹ đất cho chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”, ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, một trong những khó khăn trong việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội là người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp chưa đủ khả năng mua nhà. Một bộ phận công nhân có tâm lý thích ở nhà thuê hơn vì gần công ty, nhà máy để thuận tiện việc đi lại và giảm chi phí sinh hoạt. Đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội khó tiếp cận vốn vay…
Tại buổi làm việc, một số nội dung đoàn công tác TPHCM đề nghị tỉnh Bình Dương chia sẻ, gồm: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội; Thủ tục đầu tư, mua bán nhà ở cho người thu nhập thấp có thể đơn giản như nhà ở thương mại được không?; Diện tích xây dựng mỗi căn từ 25 đến 30m² có cản trở quá trình phát triển không gian sống của người dân không?...
Ngay sau buổi làm việc, đoàn lãnh đạo TPHCM đã đi khảo sát khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, phường Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một và khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một.
Vân Anh/SGGP