Khi nhà nước tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai và dùng phương pháp “dựng sổ” thì tiến độ CPH DNHH hi vọng sẽ có cơ hội bứt phá.
Tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2018 được đánh giá là quá chậm và mấy tháng đầu năm 2019 vẫn chưa có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, với việc hoàn thiện một số khuôn khổ chính sách mới, cơ quan quản lý Nhà nước kỳ vọng, tốc độ CPH sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới, để có thể hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2020.
Theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ CPH 127 doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2017 CPH 44 doanh nghiệp; Năm 2018 CPH 64 doanh nghiệp; Năm 2019 CPH 18 doanh nghiệp; Năm 2020 CPH 1 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong năm 2018, mới có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu. Tiến độ CPH được đánh giá là quá chậm và cộng dồn những trường hợp chưa hoàn thành từ những năm trước, khiến sức ép thực hiện CPH trong năm 2019 và năm sau là rất lớn.
Về giải pháp thúc đẩy tiến trình CPH, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tập trung quyết liệt kiểm tra và kịp thời có những chỉ đạo chấn chỉnh việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau CPH.
“Cần đẩy nhanh tiến độ của công tác kiểm tra, chấn chỉnh rồi mới tiến hành các bước sau CPH. Đẩy mạnh việc sau kiểm tra các doanh nghiệp sau CPH chậm niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng thời tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát công khai minh bạch các trường hợp làm chậm, cố tình không làm”, ông Tiến chỉ rõ.
Thực tế, thời gian gần đây, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt hơn trong thúc đẩy tiến trình CPH DNNN. Ông Trần văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận định, cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Ủy ban đã công bố danh tính doanh nghiệp CPH chưa lên sàn.
“Nếu có chỉ đạo quyết liệt CPH, quy trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng thì tin rằng sẽ tạo ra chuyển biến mạnh CPH và niêm yết chậm nhất là từ quý II/2019”, ông Dũng cho hay.
Cần nhìn nhận rằng, thúc đẩy CPH DNNN không chỉ là đòi hỏi đổi mới khu vực doanh nghiệp này, mà còn là kỳ vọng có thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán, tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital kỳ vọng, tiến trình này sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới một cách thuyết phục và mạnh mẽ. “Mặt bằng giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hiện tại là phù hợp, không quá thấp cũng như không quá cao, phù hợp để nhà nước tiếp tục thoái vốn và có thể bằng phương pháp dựng sổ”, ông Dominic Scriven lưu ý.
Tiếp nhận góp ý của nhà đầu tư và sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 21 năm 2019 hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ.
Hiện nay, phương thức đấu giá cổ phần công khai đang được sử dụng khá rộng rãi. Nhưng phương thức này có hạn chế là ở một số trường hợp, nhà đầu tư đặt giá quá cao so với giá trúng thầu bình quân nên đã bỏ cọc, hủy giao dịch. Điều này có thể làm phiên đấu giá CPH không thành công và tác động không tốt đến tiến độ CPH.
Trong khi đó, giá bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là một mức giá bán chung duy nhất, được quyết định trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường thông qua việc mở và tổng hợp sổ lệnh.
Phương pháp dựng sổ khiến tỷ lệ đấu giá thành công cũng cao hơn. Do đó, khi thông tư 21 có hiệu lực từ ngày 3/6 tới đây cùng với việc phương thức dựng sổ được áp dụng, chắc chắn sẽ tăng tốc độ CPH của nhiều DNNN.
Như vậy, giải pháp tổng thể để tăng tốc độ CPH DNNN chính là từ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai trong kế hoạch CPH, cho đến công cụ thị trường mới như phương pháp “dựng sổ” trong đấu giá cổ phần lần đầu của doanh nghiệp. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, tiến trình CPH sẽ được tăng tốc trong thời gian tới, nhất là từ quý 2 năm nay./.
Theo VOV.VN