(TG)-Giáo dục đại học có nhiệm vụ tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao,
bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu
tri thức, sáng tạo của người học.
Hệ thống giáo dục đại học của chúng ta sau hai thập niên tăng trưởng mạnh về số lượng với 427 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 213 trường đại học (57 trường ngoài công lập) và 214 trường cao đẳng (27 trường ngoài công lập), con số này chắc sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu xã hội. Tuy nhiên chất lượng giáo dục đại học của chúng ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; cơ cấu đào tạo còn nhiều bất hợp lý. Do đó đã dẫn tới hệ quả một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hoặc do số lượng tốt nghiệp của một số ngành vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã quay lại học nghề,...
Mặc dù với số lượng cơ sở giáo dục đại học không nhiều, nhưng hệ thống giáo dục đại học của chúng ta khá phức tạp, bao gồm các đại học quốc gia, đại học vùng, viện nghiên cứu, học viện, trường đại học đa ngành, trường đại học chuyên ngành, trường cao đẳng,…Sự khác nhau giữa các kiểu trường không rõ ràng và hệ thống này không tuân thủ một cách nhất quán với bất kỳ một cấu trúc bằng cấp nào được công nhận trên thế giới. Sứ mạng của các trường được tuyên bố rất khác nhau cả về tiêu chí xét chọn vào học, lẫn chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Hành động và kết quả của họ trên thực tế không nhất quán với tuyên ngôn sứ mạng. Nhiều trường tuyên bố sứ mạng của mình là trường đại học định hướng nghiên cứu, nhưng trong thực tế thì hầu như toàn bộ nguồn lực tập trung cho đào tạo, ít chú ý đầu tư vào nghiên cứu, kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học dựa trên các thước đo và chuẩn mực quốc tế rất ít. Sự cào bằng trong việc phân bổ ngân sách cho các trường công không hiệu quả do chỉ căn cứ trên số lượng sinh viên mà không căn cứ vào sứ mạng của từng trường.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ “Tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu theo hướng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành…”.
Đó nhà những lý do để chúng ta cần phải tái cấu trúc hệ thống (phân tầng) giáo dục đại học. Việc tái cấu trúc cần hết sức thận trọng, nếu chúng ta tiếp cận việc phân tầng và xếp hạng theo kiểu hành chính hóa dẫn tới nhiều hậu quả, không đạt được mục tiêu của phân tầng và xếp hạng. Hệ thống giáo dục đại học gồm nhiều tầng tậc, mỗi tầng bậc cần phải làm tốt sứ mạng và chức năng của mình. Để có thể phân tầng tốt, chúng ta cần phải hiểu đúng về các khái niệm: (1) Phân tầng là nhằm chỉ ra những đặc trưng về bản chất của một số trường khiến nó khác với một số trường khác. Đó là một quá trình nhận biết và phân biệt các trường dựa trên tính chất, mục tiêu và cách thức vận hành, chứ không phải dựa trên thành tích hoạt động. Do đó nhân tố quan trọng trong việc phân tầng không phải là đầu vào, đầu ra, mà chính là bản chất của quá trình, nằm trong sứ mạng của các trường (sứ mạng của nhà trường chi phối hướng đi, chiến lược và hoạt động của nhà trường). (2) Xếp hạng là một sự đánh giá từ bên ngoài nhằm so sánh kết quả hoạt động của một cơ sở giáo dục trong tương quan đối chiếu với các cơ sở giáo dục khác, để cung cấp thông tin cho các bên liên quan như người học, nhà quản lý…. Kết quả xếp hạng là một danh sách có thứ tự cao thấp, vị trí thứ hạng cao hơn nghĩa là đạt được thành tích, kết quả tốt hơn. Xếp hạng thường dựa trên một số tiêu chí và phương pháp do các tổ chức xếp hạng đưa ra, do đó kết quả xếp hạng của một cơ sở giáo dục có thể khác nhau trong các hệ thống xếp hạng khác nhau. Hiện tại, các tiêu chí và phương pháp xếp hạng trên thế giới đang còn nhiều ý kiến. Tuy nhiên chúng đều có một số tiêu chí chung như kết quả nghiên cứu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…
Trên cơ sở hiểu rõ hai khái niệm phân tầng và xếp hạng, một hệ thống giáo dục đại học tốt cần xác định rõ sư mệnh, chức năng, vai trò của mỗi tầng bậc, mỗi cơ sở giáo dục trong từng tầng bậc và xây dụng mối quan hệ giữa các cơ sở và các tầng bậc; xác định rõ các tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học và tham khảo quốc tế. Cần xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ giữa các tầng và giữa các thành viên trong từng tầng về phát triển đội ngũ, đào tạo. Bên cạnh đó cần phải có một hệ thống chính sách với việc phân tầng, xếp hạng và có những quy định về việc bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của tổ chức thực hiện phân tầng, xếp hạng.
TS. Ngô Thanh Long
Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương