Nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trương tiến hành đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2015. Đây là lần thứ hai liên tiếp Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và coi đây là khâu đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, phương án một kỳ thi quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp của toàn xã hội.
Tuy nhiên, cũng như lần đổi mới thứ nhất, phương án một kỳ thi quốc gia 2015 lần này đã được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc, vấn đề được phân tích, nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, xuất hiện hai luồng ý kiến dư luận trái chiều: luồng ý kiến đồng tình, ủng hộ và luồng ý kiến băn khoăn, lo ngại bất cập.
Luồng dư luận ủng hộ, đồng tình có chiều hướng đánh giá cao tính khả thi, tính ưu việt của phương án một kỳ thi quốc gia. Theo đó, những người quan tâm cho rằng đây là bước đột phá trong tư duy của Bộ Giáo dục, tán thành với phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia năm 2015 là thi theo môn (gồm tối thiểu 4 môn) vì như vậy học sinh và giáo viên không quá bất ngờ về cách giảng dạy và học. Có thể nói, ghép hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học, cao đẳng làm một sẽ giúp cho các trường đại học, cao đẳng giảm được áp lực về hồ sơ “ảo”, giảm áp lực cho thí sinh. Bởi vì không giống như những năm trước, thí sinh phải nộp hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng trước thì mới biết kết quả nên có những em đạt số điểm rất cao nhưng vẫn trượt. Còn bắt đầu từ năm 2015, thí sinh biết điểm của kỳ thi phổ thông quốc gia xong thì mới lựa chọn trường đại học, cao đẳng phù hợp với số điểm, năng lực của mình để dự tuyển. Như vậy, cơ hội đỗ đại học, cao đẳng của các em sẽ cao hơn và đảm bảo cho thí sinh đạt điểm cao chắc chắn sẽ đỗ. Ngoài sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, các trường có quyền tự chủ rất cao, có thể thực hiện phương thức tuyển sinh riêng hoặc thi thêm một hình thức khác như: phỏng vấn, kiểm tra chỉ số thông minh…
Luồng dư luận băn khoăn, lo ngại bất cập: phương án thi tốt nghiệp phổ thông 2015 không khác nhiều về hình thức và môn thi với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2014, còn tồn tại nhiều điểm thiếu chặt chẽ. Phương án tổ chức cụm thi địa phương có nguy cơ giữ lại tính không hiệu quả của kì thi trước đây, dễ xảy ra tình huống gian lận của thí sinh trong khi thi do công tác coi thi ở địa phương không chặt chẽ, nghiêm túc so với cụm thi do các trường đại học, cao đẳng chủ trì. Điều này rất mạo hiểm và thể hiện điểm “xộc xệch” của phương án thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố. Chúng ta có thể cấp chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông cho các em học sinh và tập trung làm tốt kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và tiến tới miễn thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông. Hoặc thay vào đó, chúng ta có thể tiến hành một kỳ kiểm tra cuối cấp ở địa phương vì với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cao như vậy (tới 99,2%) thì không cần tổ chức thi nữa.
Dư luận xã hội còn lo ngại việc tổ chức thi theo cụm do các trường đại học, cao đẳng coi thi và chấm thi. Trước đây, chúng ta đã từng để các trường đại học, cao đẳng đứng ra coi thi và kết quả tốt hơn, nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, nó sẽ là con dao hai lưỡi vì có khả năng, kết quả thi của cụm thi này sẽ thấp hơn rất nhiều so với cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Và liệu chúng ta có thể xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho những em có điểm số thấp đó được không? Có thể do áp lực của một số trường đại học, cao đẳng không tin tưởng vào kết quả nên trường đại học, cao đẳng muốn trực tiếp đứng ra tổ chức coi thi và chấm điểm nên phát sinh hai loại cụm thi. Đây thực sự trở thành lỗ hổng của phương án này. Một số nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng bày tỏ nhiều quan ngại và cho rằng hãy dành kỳ thi quốc gia cho tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nếu để một số trường đại học, cao đẳng dùng kết quả này để xét tuyển vào trường là… vứt đi. Nhiều trường sẽ “vơ bèo vạt tép” cho đủ chỉ tiêu (đặc biệt là một số trường ngoài công lập). Đặc biệt, phương án này, thực chất vẫn tổ chức hai kỳ thi như trước, vẫn nặng nề. Chỉ khác lần này là thi vào đại học, cao đẳng do một số trường tự tổ chức chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số nhà nghiên cứu cũng tán thành phương án nên dành tâm sức vào kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Có thể nói, thi tốt nghiệp phổ thông là một trong những vấn đề giáo dục có tính chất nhạy cảm và được dư luận xã hội quan tâm từ nhiều năm nay với một số lý do cơ bản: nặng nề, nhiều áp lực, tốn kém kinh phí, hiệu quả không cao... Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm gần đây đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình này. Việc đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông lần này thể hiện rõ quyết tâm của Bộ nhằm cải thiện tình hình học và thi ở cấp học phổ thông. Tuy nhiên, để có một kỳ thi chất lượng, trung thực, khách quan cần đặc biệt chú ý các khâu như: ra đề thi, coi thi và chấm thi. Dù là phương án thi nào cũng đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định. Điều quan trọng là chúng ta cần có những tính toán khoa học, kỹ lưỡng để dự báo được những bất cập sẽ xảy ra và có các giải pháp xử lý kịp thời. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá cần có một lộ trình dài hơi, những bước đi chắc chắn để hạn chế những bất cập, gây xáo trộn tâm lý xã hội và công việc của ngành.
Vấn đề tổ chức thi tập trung hay phân tán cần được tính toán hợp lý trong quá trình tổ chức để giảm thiểu việc di chuyển của thí sinh, giám thị coi thi nhằm giảm chi phí, sức lực cho các nhân tố trên. Trên thế giới hiện nay đã có những cuộc thi mà thí sinh tham gia thi tại các địa điểm của nhiều thành phố ở nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh xã hội, điều kiện văn hóa, điều kiện kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, bất cập nên chúng ta cần có sự tính toán kỹ lưỡng, cần có thêm thời gian để tư duy tiếp vấn đề này nhằm hướng tới một kỳ thi hoàn thiện trong các năm tới.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, chúng ta cần tính tới những giải pháp, chế tài giám sát chặt chẽ, có hiệu quả việc xét tuyển ở các trường đại học, cao đẳng. Mặc dù hiện nay chúng ta đang áp dụng cơ chế tự chủ cho các trường nhưng tự chủ phải đúng luật, có như vậy mới đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.
Việc xét tuyển ồ ạt thí sinh kém chất lượng vào trường đại học sẽ làm khó khăn cho công tác phân luồng sau trung học. Do vậy, cơ cấu nguồn nhân lực cho đất nước trong thời gian tới sẽ bị phá vỡ, không đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động trong các ngành nghề.
Tóm lại, để tạo ra những thay đổi đột phá về chất nền giáo dục nước nhà thì vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông cần phải được xem xét trong một giải pháp tổng thể, đồng bộ. Bởi lẽ, giáo dục là một hệ thống được cấu thành từ nhiều thành tố khác nhau và thi cử, kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng trong số các thành tố ấy. Nó có mối liên hệ mật thiết, không thể tách rời với rất nhiều thành tố khác như: đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; chế độ, chính sách giáo dục với người dạy, người học; cơ sở hạ tầng; văn hóa xã hội; thiết chế xã hội... Chỉ khi được nhìn nhận như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới thực sự có hiệu quả mạnh.
Văn Phúc
Vụ Giáo dục&Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương