Chủ Nhật, 20/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 4/3/2017 14:29'(GMT+7)

Có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ?

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Lưu

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Lưu

 

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM;… 

Cấp trên “sợ” cấp dưới vì lá phiếu tín nhiệm

Báo cáo do đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau Đại hội Đảng XII, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp chủ động, tích cực, đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tham mưu, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Trong năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cũng đã thường xuyên nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản góp phần giải quyết, tháo gỡ những vấn đề nổi lên liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; thẩm định các đề án, văn bản hướng dẫn, trả lời; thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý;…

Đề cập đến những hạn chế, yếu kém của ngành, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết, vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm; còn tình trạng cấp dưới thực hiện chưa nghiêm túc, chưa hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội, như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...

“Tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự? Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm? Công tác quản lý hồ sơ và thẩm định hồ sơ còn đơn giản, chủ quan? Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, theo dõi và quản lý cán bộ còn lỏng lẻo? Phân cấp quản lý cán bộ còn chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa? Có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ?”, đồng chí Nguyễn Thanh Bình nêu vấn đề.

Đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ

Hiện tại, chưa có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

“Bệnh thành tích” trong phân loại, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên còn phổ biến, nhiều nơi tỷ lệ cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất cao trong khi kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể lại chưa đạt yêu cầu.

Công tác tham mưu tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cấp ủy các cấp và thực tế đặt ra; một số đề án, nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đội ngũ cán bộ của toàn ngành nhìn chung còn những hạn chế, bất cập, chậm được khắc phục, nhất là năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực chủ động trong công tác.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình là do một số lãnh đạo cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp mới được kiện toàn nên còn thiếu mạnh dạn, quyết tâm chính trị chưa cao; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo chưa phù hợp; việc tổ chức, bố trí lực lượng chưa hợp lý. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức thiếu sáng tạo, chưa thực sự tâm huyết với ngành; chưa tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong; chưa tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt; chưa bám sát cơ sở để nắm tình hình thực tiễn phục vụ công tác. Hệ thống quy định, hành lang pháp lý còn chưa hoàn chỉnh; chính sách cán bộ còn nhiều bất cập, nhất là chính sách tiền lương và nhà ở; cơ chế kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ còn có kẽ hở; chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý trách nhiệm cá nhân.

Để khắc phục những yếu kém, hạn chế trên, Ban Tổ chức Trung ương xác định, trong thời gian tới sẽ tập trung công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ, trọng tâm là đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ theo hướng thực chất, trọng dụng nhân tài. Rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định bảo đảm tính nhất quán, tổng thể, liên thông trong toàn hệ thống chính trị; góp phần khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh, tâm tư, so bì trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiến hành sơ kết công tác luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 và tham mưu xây dựng Quy định về công tác luân chuyển cán bộ. Hướng dẫn rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; kịp thời tham mưu kiện toàn nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy quản lý ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu tổng kết việc thực hiện Quyết định số 67-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và Quyết định số 68-QĐ/TW về quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; xây dựng Quy định mới của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử theo hướng quản lý trực tiếp, không quá 01 cấp.

Tham mưu xây dựng Đề án “Xây dựng đội ngũ chuyên gia các cơ quan Trung ương”. Phối hợp hướng dẫn thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng đối với các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh, xem xét, kết luận vấn đề chính trị của cán bộ, đảng viên theo nội dung Quy định số 57-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Giải quyết kịp thời, chính xác những trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên; chú trọng giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. Sửa đổi, bổ sung Quy định về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; chính sách sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị. Xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa Ban Tổ chức Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ.

 TRẦN LƯU/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất