1. Quan điểm của C.Mác về vai trò của khoa học, công nghệ trong phát triển lực lượng sản xuất
Khi bàn đến các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, ngoài việc đề cao vai trò của hai yếu tố tư liệu sản xuất và người lao động, C.Mác nhấn mạnh vai trò của khoa học, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Nghiên cứu tiến trình vận động và phát triển của xã hội loài người thông qua hoạt động sản xuất vật chất, C.Mác nhận định: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (wissen knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp”(1). Theo luận điểm trên, tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công cụ sản xuất (tư bản cố định) và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất, do đó, nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mác khẳng định như sau: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”(2).
Luận điểm trên của C.Mác cho thấy, khoa học tự bản thân nó không thể tạo ra bất kỳ tác động nào mà phải thông qua sự ứng dụng và hoạt động thực tiễn của con người thì khoa học mới có thể phát huy được tác dụng, hay nói cách khác, khoa học trở thành lực lượng sản xuất với điều kiện là khoa học phải tồn tại dưới dạng lao động được vật hóa thành máy móc.
Phán đoán của C.Mác về khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếpcần được hiểu ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, khoa học vốn là một hệ thống những tri thức được con người vận dụng vào hoạt động sản xuất vật chất, được vật hóa trong các thao tác lao động và đem lại những hiệu quả nhất định. Như vậy, từ chỗ là lực lượng sản xuất tiềm năng, khoa học đã từng bước tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Thứ hai, khoa học có sự gắn kết chặt chẽ với kỹ thuật và công nghệ, trở thành cơ sở lý thuyết cho các phương tiện kỹ thuật, công nghệ mà thông qua đó, khoa học được vật chất hóa trong các yếu tố vật thể của lực lượng sản xuất. Sự gắn kết chặt chẽ giữa khoa học với kỹ thuật và công nghệ là một xu thế tất yếu của phát triển lực lượng sản xuất hiện đại bởi khoa học muốn phát triển nhanh cần phải có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại; đồng thời, muốn sản xuất ra công nghệ mới đòi hỏi con người phải dựa trên những phát minh khoa học mới. Điều đó cũng chứng tỏ khoa học gắn bó chặt chẽ và là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời đại ngày nay.
Thứ ba, thời gian để lý thuyết khoa học đi vào thực tiễn sản xuất ngày càng được rút ngắn lại. Trong những thế kỷ trước, thời gian từ phòng thí nghiệm đến thực tế sản xuất thường rất dài. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhờ sự phát triển không ngừng của khoa học hiện đại, quá trình trên đã được rút ngắn rất nhiều.
Thứ tư, khoa học thâm nhập vào tất cả các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất. Nhờ có khoa học, công cụ lao động ngày càng được cải tiến, sức lao động của con người được giải phóng. Con người ngày càng tạo ra được nhiều đối tượng lao động nhân tạo, khắc phục được hạn chế về thời gian sử dụng và một số đặc tính khác của đối tượng lao động tự nhiên. Cũng nhờ khoa học mà trình độ, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động được nâng cao. Trong nhiều nhà máy, xí nghiệp, số lượng nhân lực khoa học tham gia vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội so với số lượng lao động làm việc cơ bắp thông thường. Đội ngũ công nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhờ có khoa học, hoạt động của các nhà lãnh đạo, quản lý, điều hành sản xuất ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Như vậy, theo Mác, khoa học không phải là một lực lượng sản xuất độc lập, đứng bên ngoài con người, mà khoa học chỉ có thể tạo ra những biến đổi trong quá trình sản xuất thông qua hoạt động của con người. Khoa học đã được thẩm thấu vào tất cả các khâu của quá trình sản xuất, góp phần cải tiến công cụ lao động, tạo ra những đối tượng lao động mới, những phương tiện sản xuất tiên tiến, góp phần nâng cao kỹ năng, tay nghề, trình độ cho người lao động. Do vậy, trong thời đại ngày nay, khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại.
2. Khoa học, công nghệ với phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay
Đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội sau 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015), Đảng ta nhấn mạnh vai trò to lớn của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển lực lượng sản xuất nói riêng: “Trong những năm qua, khoa học, công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực”; “Một số ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn đã có đóng góp tích cực trong phát triển sản xuất và tăng cường quốc phòng, an ninh”(3).
Trong công nghiệp, khoa học, công nghệ phát triển, dầntrở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, dẫn đến sự thay đổi to lớn trong quá trình sản xuất. Xu thế toàn cầu hóa, cùng sự chuyển giao và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ đã thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ. Các công cụ lao động giản đơn, mang tính chất tiểu thủ công nghiệp đã được thay thế bằng các dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại. Sức lao động của con người được giải phóng, lao động chân tay dần được thay thế bởi lao động trí óc, lao động giản đơn dần được thay thế bằng sự chuyên môn hóa ngày càng cao. Những sự thay đổi trên làm cho năng suất lao động tăng vượt bậc, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và có chất lượng cao. Cũng nhờ đó, cơ cấu kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng mạnh hơn so với các ngành nông nghiệp. Từ một nước thuần nông, Việt Nam đã xây dựng được nhiều nhà máy, xí nghiệp với những dây chuyền công nghệ tiến tiến; nhiều khu chế xuất công nghệ cao. Điều này đã được ghi nhận tại Đại hội XII của Đảng: “Công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỉ trọng công nghiệp khai thác giảm dần. Khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá”(4).
Trong nông nghiệp, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước chủ trương tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều loại máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất nông nghiệp như máy cày bừa, máy gặt, máy gieo hạt, máy sấy... Nhờ đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất và áp dụng cơ chế quản lý hợp lý, năng suất và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp của nước ta ngày càng tăng. Ngành thủy nông cũng được cải thiện đáng kể với việc đưa vào sử dụng nhiều loại máy bơm có công suất lớn có thể tưới tiêu trên phạm vi rộng. Nhiều giống lúa, hoa màu, giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất có chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, thiên tai tốt, đem lại năng suất cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận những thành tựu mới của khoa học, công nghệ, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn nói chung và cả nước nói riêng. Nước ta đã hình thành được những vùng nông nghiệp trọng điểm, chuyên canh, với những mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo (Việt Nam đứng thứ 2 châu Á và thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo), thủy hải sản, rau, củ, quả... Vai trò của khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp hiện đại ở nước ta đã được Đảng ta ghi nhận: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có những bước chuyển biến, nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; ứng dụng khoa học - công nghệ và mức độ cơ giới hóa được nâng lên”(5).
Đại hội XII cũng chỉ rõ: “Khoa học, công nghệ chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội”(6). Đánh giá này dựa trên thực tiễn hiệu quả việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự có hiệu quả.
Theo Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2014 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới công nghệ của Việt Nam đứng thứ 71/143 nước, đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của nước ta còn nhiều hạn chế, tỷ trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ trong sản xuất còn khiêm tốn. Giai đoạn 2001 - 2011, tỷ lệ đầu tư cho khoa học, công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP. Trong 10 năm, tỷ lệ này chỉ tăng từ 0,48% GDP lên 0,51% GDP. Sau 30 năm đổi mới, sản xuất công nghiệp Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mức độ gia công. “Việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ ở nước ta còn nhiều hạn chế. Trình độ cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa của các ngành kinh tế còn thấp. Theo điều tra doanh nghiệp năm 2012, khoảng 57% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ thấp, 31% có công nghệ trung bình, 12% có công nghệ cao. Đầu tư xã hội cho đổi mới nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên 1 người dân ở nước ta năm 2012 là 3,1 USD trong khi của Thái Lan là 22 USD, Malaixia là 86 USD và của Xinhgapo là 1.340 USD”(7).
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được tiến hành đồng bộ. Máy móc thiết bị đưa vào sản xuất còn lạc hậu so với thế giới, dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường. Tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,3 mã lực (CV)/ha canh tác, trong khi một số nước trong khu vực như Thái Lan đạt 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc 6,06 CV/ha (các khâu canh tác chủ yếu trong nông nghiệp các quốc gia này được cơ giới hóa trên 90% )(8).
Trước những hạn chế và bất cập trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”(9).
Đảng đã định hướng một số nhiệm vụ cụ thể, như: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ..., đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động thực tiễn”(10); “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới”(11). Đây là những định hướng đúng đắn, cần thiết đối với việc phát huy vai trò to lớn của khoa học, công nghệ trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại ở Việt Nam trong thời gian tới.
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016
(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.372, 367.
(3), (4), (5), (6), (9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.118, 83, 83, 119, 27, 28, 88.
(7) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, ngày 12-2-2015.
(8) Lê Quốc Lý (Chủ biên): Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.132.
ThS Lê Thị Chiên
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Lý luận Chính trị điện tử