Thứ Hai, 25/11/2024

Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế

Mục tiêu lớn

Hà Nội đã xác định một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân dưới 5%/năm, hằng năm có 35-40% số DN có hoạt động đổi mới sáng tạo, năng suất lao động tăng bình quân 6,5%/năm, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân đạt 35-40% trong giai đoạn 2016-2020. Từ đây, lãnh đạo TP Hà Nội quyết tâm đổi mới, cải cách đồng bộ, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, trong đó tập trung kết hợp hiệu quả giữa phát triển theo chiều rộng với chiều sâu.

Cụ thể, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 16-Ctr/TU nhằm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TƯ về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, với những giải pháp trọng tâm. Trong đó có quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, tiết kiệm chi - tiêu, tạo điều kiện cho các thị trường vốn, đất đai, công nghệ, lao động phát triển bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại và ưu tiên cho hoạt động chuyển giao công nghệ, phương thức quản lý tiên tiến. 

Từ năm 2016 đến năm 2020, Hà Nội sẽ tập trung cổ phần hóa 16 DN 100% vốn nhà nước kết hợp sắp xếp đối với các DN còn tồn tại từ thời gian trước để lại, thoái vốn nhà nước tại 96 DN cũng như tăng cường giám sát, đánh giá hoạt động của DN có vốn nhà nước theo tinh thần minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Thủ đô cũng đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, tập trung vào tài chính - ngân hàng, hàng không, y tế, giáo dục chất lượng cao, hoạt động pháp lý cùng với gia tăng số lượng và chất lượng phục vụ của hệ thống siêu thị, logistics trên cơ sở phát huy thế mạnh về công nghệ, nguồn nhân lực và vốn cũng như vị trí trung tâm của một đô thị trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ. 

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ, phục vụ các DN dân doanh để các đơn vị thuộc khu vực này phát triển nhanh về số lượng, với chất lượng và sức sống cải thiện hơn hẳn thời kỳ trước. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, giải quyết các nhu cầu của DN một cách nhanh chóng, kịp thời để hướng tới mục tiêu có thêm 200 nghìn DN đăng ký trong cả giai đoạn 2016-2020, thực sự hình thành phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô. 

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ, đây là kỳ vọng rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của TP Hà Nội, đồng thời cũng phù hợp với tiềm năng to lớn của Thủ đô, nhất là xét về nguồn vốn khá dồi dào trong dân...

Chủ động hội nhập thành công

 

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là doanh nghiệp được sắp xếp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Thái Hiền
Nghị quyết 06-NQ/TƯ về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đang vào cuộc sống một cách tích cực. Trước hết, Hà Nội sẽ duy trì đà cải thiện về thứ hạng trong bảng cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở các năm gần đây; trong đó tập trung cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh để phấn đấu có mặt trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu vào năm 2020. Lãnh đạo thành phố cũng sẽ chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, vận hành kinh tế theo tầm nhìn dài hạn, gắn kết với việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, thành phố cũng chủ động trong các hoạt động đối ngoại, lồng ghép các chuyến công tác với hoạt động quảng bá tiềm năng, công bố nhu cầu thu hút đầu tư và hợp tác với đối tác quốc tế. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch sẽ được phối hợp theo hướng chặt chẽ, nhịp nhàng, đúng trọng tâm; tránh dàn trải. 

Đáng lưu ý, Hà Nội cũng sẽ chủ động trong lựa chọn đối tác, dự án theo hướng phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và lợi thế sẵn có, trên cơ sở ưu tiên những dự án áp dụng công nghệ hiện đại, có sản phẩm giá trị gia tăng cao; tuyệt đối không chấp nhận những trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng nhiều đất đai, hoặc sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng. 

Thành phố cũng tập trung hỗ trợ DN trong tiếp xúc với đối tác nước ngoài, cung cấp thông tin và thực hiện tham vấn để việc hỗ trợ kịp thời và đạt hiệu quả cao, đáp ứng các mục tiêu và nhu cầu của DN. Các nhu cầu về thông tin thị trường, cơ hội quảng bá, giới thiệu về năng lực và sản phẩm của các đơn vị ra thị trường quốc tế sẽ được chú trọng, hỗ trợ một cách thực chất. Công tác định hướng, cung cấp thông tin pháp lý, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu sẽ được thực hiện liên tục... 

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, các DN thành viên luôn mong muốn có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế đối ngoại của thành phố; từ đó tìm kiếm thị trường và đối tác để phát triển và bảo đảm mục tiêu vừa hợp tác, vừa nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đến nay, đại diện nhiều DN nhỏ và vừa đã xác nhận, công tác hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng đang có bước cải thiện rõ rệt, đạt hiệu quả thiết thực…
 
 
Hồng Sơn
(Theo HNM)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất