Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 7/4/2010 9:10'(GMT+7)

Cờ Tổ quốc mãi tung bay

Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển, đảo.

Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển, đảo.

Bản hùng ca giữ đảo

Con tàu chở đoàn công tác nhổ neo hành trình trong đêm, đến vùng biển khu vực đảo Cô Lin khi trời vừa sáng. Từ xa, trong rực rỡ bình minh, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà của đảo, giữa mênh mông sóng nước. Các thành viên trong đoàn đều dậy sớm, quân phục chỉnh tề để tổ chức lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...

Tàu tắt máy thả trôi, biển như lặng sóng. Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân thay mặt đoàn công tác, giọng xúc động: “Giờ này, chúng tôi có mặt tại vùng biển, đảo nơi các đồng chí đã anh dũng hy sinh.  Các đồng chí là những tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là cán bộ, chiến sĩ các tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Đoàn vận tải M25; Bộ đội Đoàn M46 và Đoàn T3 Công binh Hải quân cùng nhiều tập thể đã kiên cường vượt qua thử thách, không chịu lùi bước, kiên quyết chiến đấu bảo vệ đảo và anh dũng hy sinh…

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân trên quần đảo Trường Sa mãi mãi ghi nhớ, tự hào về những gương sáng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tiêu biểu là các anh hùng liệt sĩ: Trung tá Trần Đức Thông, Phó đoàn trưởng Đoàn M46; Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Trung úy, Đảo phó Trần Văn Phương đã quấn cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Hãy để máu mình tô thắm cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Bộ đội Hải quân”. Tàu HQ 505 dù bị hỏng nặng đã dùng hết tốc lực lao lên đảo Cô Lin, trở thành “lô cốt sống” giữ đảo. Các anh đã gắn bó với Trường Sa từ những ngày đầu mới giải phóng, tạm gác riêng tư, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa".

Thời khắc thiêng liêng khi đoàn công tác thả vòng hoa xuống biển, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh đang yên nghỉ trong lòng biển. Thượng tá Phạm Văn Tùng, cán bộ trong đoàn xúc động kể với tôi về hai người đồng đội khi các anh là học viên Học viện Hải quân. Vừa ra trường, hai thuyền phó tàu HQ 604, HQ 605 Nguyễn Bá Cường và Kiều Hồng Lập đã cùng đồng đội vượt sóng cả ra Trường Sa và anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Khi đó, Phạm Văn Tùng công tác tại đảo Đá Lớn; biết tin đồng đội hy sinh, lòng anh như quặn lại. Sau hơn 20 năm rời Trường Sa đi làm nhiệm vụ tại Vùng E và Vùng A Hải quân, lần này anh mới được đến nơi đồng đội ngã xuống thắp hương tưởng niệm.

Trước khi hy sinh, liệt sĩ Trần Văn Phương chưa biết người vợ ở quê (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) mang thai được hai tháng. Giờ đây, Trần Thị Thủy, con gái của anh, được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đoàn Trường Sa và địa phương đã trở thành cán bộ Phòng Thống kê, UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trao đổi qua điện thoại, Thủy cho biết, hiện cô đang đi cùng đoàn công tác từ ngoài Bắc ra Trường Sa và mong sớm có dịp được đến vùng biển, đảo Cô Lin, thắp hương tưởng nhớ cha cùng đồng đội đã dũng cảm hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vững tin vươn ra biển lớn         

Sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng, bảo vệ quần đảo cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc đã mang lại những thay đổi vượt bậc trên quần đảo Trường Sa. Phó chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Viết Thuân cho biết: Các cơ quan, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế và nhân dân cả nước... đã có nhiều hành động thiết thực vì Trường Sa, hướng ra biển phát triển kinh tế và bảo vệ biển, đảo. Nhiều điển hình, nghĩa cử cao đẹp quyên góp, ủng hộ bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 với số tiền, quà, hàng hóa… trị giá hàng trăm tỉ đồng, góp phần tôn tạo, xây dựng cơ ngơi các đảo khang trang, chính quy, xanh, sạch, đẹp; bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện cho quân và dân trên quần đảo huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động, học tập, công tác. Nhiều dự án được triển khai trên quần đảo cùng với công tác hậu phương quân đội, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo, đưa các anh về quê hương… càng làm cho quân và dân huyện đảo thêm ấm lòng, yên tâm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.

Đến các đảo trên quần đảo Trường Sa, đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến không khí huấn luyện, SSCĐ, xây dựng… sôi nổi, khẩn trương, trách nhiệm của quân và dân trên đảo. Năm 2009, nhiều đơn vị đảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng bằng khen. Cán bộ, chiến sĩ các đảo vừa tổ chức kiểm tra bắn đạn thật đạt khá, giỏi.        

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sa quê ở mọi miền Tổ quốc. Những người lính Trường Sa chúng tôi gặp như: Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Văn Hải (đảo Sinh Tồn Đông) đã 6 lần, với gần 10 năm công tác tại các đảo; Thượng úy QNCN Nguyễn Hồng Chung (đảo Len Đao) từ năm 2002 đến nay đã 2 lần (tổng cộng 4 năm) tăng cường cho đảo… đã thực sự coi quần đảo Trường Sa là quê hương. Nhiều thanh niên từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… có cuộc sống gia đình sung túc, khi nhập ngũ, được luyện rèn nơi biển, đảo nhanh chóng trưởng thành, cùng đồng đội trụ vững nơi đầu sóng.

Cách đất liền hàng trăm hải lý, thời tiết khí hậu hết sức khắc nghiệt, nhưng chủ quyền biển, đảo Trường Sa luôn vẹn toàn, cờ Tổ quốc mãi tung bay trên quần đảo bão tố./.

(Theo: Quân Thuỷ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất