Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 4/4/2010 8:37'(GMT+7)

Jon Funabiki & chiến dịch da cam trong lòng nước Mỹ

Jon Funabiki năm nay đã 61 tuổi, nhưng ai cũng cất lên một tiếng “ồ” kinh ngạc khi nghe ông nói về năm sinh của mình. Bởi nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ ông chỉ độ 50 tuổi. Ông cười bảo: “Tôi cũng chẳng hiểu vì sao ai gặp cũng bảo mình trẻ, dù cuộc đời tôi là những chuỗi ngày dài gắn bó với những chuyện không vui trong xã hội ngày nay”.

Khát khao tìm cái mới

17 năm lăn lộn trong nghề báo, Jon Funabiki lần lượt trải qua các tờ như The San Diego Union, Catholic Monitor, Enterprise Journal, Ravenwood Post (đều ở bang California). Đặc biệt, trong lý lịch nghề nghiệp của mình, Jon Funabiki cũng như mọi nhà báo khác trên nước Mỹ là đã tự hào có một thời gian làm việc cho tờ The New York Times với tư cách một cộng tác viên phụ trách ở khu vực Nam California.

Trong tình hình báo chí Mỹ đang xuống dốc dữ dội hiện nay, Jon Funabiki với Trung tâm Phục hưng báo chí đang nỗ lực tìm kiếm những hướng đi mới. Một trong những nhân vật mà Jon Funabiki nể phục là Steven Chen, một trong hai chàng trai sáng lập YouTube. Jon cho rằng phải có những cái đầu táo bạo, sáng tạo như Chen mới có thể tìm được hướng đi mới cho báo chí hiện nay.

Ra đời trong trại tập trung

Ngày 7-12-1941 là một ngày không thể quên đối với nước Mỹ, vì đó là ngày diễn ra trận Trân Châu cảng. Cuộc tập kích bất ngờ của 374 chiếc máy bay của Nhật vào Trân Châu cảng đã được gọi là trận đánh định mệnh của cả nước Mỹ và Nhật.

Tám năm sau khi trận đánh ấy diễn ra, Jon Funabiki mới chào đời tại San Francisco, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời của một con người Mỹ mang trong mình dòng máu Nhật. Bởi ngay sau khi trận Trân Châu cảng vừa kết thúc, tất cả người Nhật đang sinh sống tại đất Mỹ đều bị lùa vào trại tập trung, mở đầu cho những tháng năm bị phân biệt đối xử.

Ông Charles Firestone - giám đốc truyền thông và xã hội của Viện Nghiên cứu xã hội & chính sách Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự ngạc nhiên: “Chúng tôi thật sự không hiểu nổi vì sao một đất nước luôn đề cao sự dân chủ như Mỹ lại có quyết định như thế. Vẫn biết chiến tranh là khắc nghiệt, nhưng việc lùa tất cả người Nhật đang sinh sống tại Mỹ vào trại tập trung là điều không thể chấp nhận”.

Jon Funabiki kể: “Gia đình chúng tôi sang Mỹ lập nghiệp từ thời ông cố của tôi. Ngay sau khi xảy ra trận chiến Trân Châu cảng, toàn bộ gia đình chúng tôi đều bị lùa vào trại tập trung với lý do đảm bảo an ninh cho nước Mỹ. Ba mẹ tôi đã gặp nhau trong trại tập trung, và tám năm sau sự kiện Trân Châu cảng, tôi chào đời cũng trong trại tập trung”.

Tuy nhiên, thời gian xóa nhòa dần mọi thứ. Những người Nhật sống trên đất Mỹ rồi cũng được trở về với cuộc sống bình thường như mọi sắc dân khác trên đất nước Hiệp Chủng Quốc. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử mà Jon Funabiki đã nếm qua ở những năm tháng đầu đời đã không phai được trong đầu chàng trai trẻ. Vì vậy, khi quyết định dấn thân vào nghề báo, Jon đã chọn những lĩnh vực liên quan đến sự công bằng, đến những vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.

Trong 17 năm hành nghề báo, từ một phóng viên bình thường cho đến khi trở thành một biên tập viên, hai lĩnh vực chính mà Jon quan tâm là các vấn đề liên quan đến châu Á-Thái Bình Dương với Mỹ, và cuộc sống của cộng đồng người thiểu số tại Mỹ.

Sau 17 năm lăn lộn với nghề báo, Jon Funabiki chuyển sang làm cho Quỹ tài trợ Ford và mục tiêu vẫn không có gì khác, đó là thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, mà đặc biệt là chú ý đến cộng đồng người thiểu số tại Mỹ.

Hiện nay ông là giáo sư của khoa báo chí Trường ĐH San Francisco, đồng thời tham gia giảng dạy tại khoa báo chí của những trường ĐH danh tiếng như Berkeley, California, Honolulu, Stanford...

Jon Funabiki (trái) và Steven Chen trong một lần gặp gỡ

Đi tìm công lý cho nạn nhân da cam

Hiện tại, vấn đề lớn nhất Jon Funabiki theo đuổi là làm thế nào để ngăn chặn đà suy thoái của báo chí, tìm một hướng đi mới cho báo chí trong thời kỳ bị Internet chi phối dữ dội như hiện nay. Ông đã thuyết phục được Trường ĐH San Francisco đồng ý thành lập “Trung tâm Phục hưng báo chí” (Renaissance Journalism Center) và ông chính là người phụ trách.

Trung tâm Phục hưng báo chí của Jon Funabiki sẽ chẳng thu hút được sự quan tâm của người VN như chúng tôi, nếu như trong các dự án lớn của trung tâm này đang thực hiện không có chương trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam VN.

Jon Funabiki tâm sự: “Theo tôi, một trong những lý do khiến vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam tại VN chưa thành công là bởi các bạn đã chưa khuấy động được dư luận trong lòng nước Mỹ. Thông thường ở nước Mỹ, khi các phiên tòa xử những vụ quan trọng diễn ra, giới báo chí, truyền hình đều được các luật sư tranh thủ rất nhiều. Một khi dân chúng quan tâm, các vị quan tòa sẽ phải làm việc nghiêm túc hơn.

Tôi tìm hiểu lại các phiên tòa xử vụ nạn nhân chất độc da cam VN đi kiện các công ty hóa chất của Mỹ thì đều thấy nó hết sức im ắng trong lòng nước Mỹ. Mặc dù câu chuyện này quá rõ ràng, những cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đều đã được bồi thường, nhưng các nạn nhân người VN thì không”.

Tháng 1-2010, Jon Funabiki đã đến VN để thực hiện một chuyến đi tìm hiểu về các nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội, Đà Nẵng. Những gì mắt thấy tai nghe đã củng cố thêm cho ông niềm tin phải làm đến nơi đến chốn câu chuyện này.

Theo kế hoạch của Jon vạch ra, nếu sớm thì vào tháng 6 và trễ lắm là tháng 9 năm nay, ông sẽ tổ chức một chuyến đi thực tế đến VN cho đại diện 16 tờ báo, đài truyền hình lớn nhất nước Mỹ. Ông tin tưởng chính lực lượng này sẽ khuấy động được dư luận trong lòng nước Mỹ nhằm gây áp lực lên các vị quan tòa khiến họ không thể qua quýt khi ngồi xử án.

Jon tỏ ra đầy quyết tâm khi nói: “Đã đến lúc nước Mỹ cần phải dọn dẹp sạch sẽ, dứt điểm câu chuyện chất độc da cam tại VN. Mặc dù rất khó khăn, nhưng tôi tin thành công. Báo chí Mỹ cần phải dành nhiều thời gian hơn cho vấn đề này, đúng như tầm quan trọng vốn có của nó, vì đây là vấn đề của lương tri”.

Tôi đã khóc...

* Chuyện kiện đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam chẳng phải mới, sao đến giờ ông mới quan tâm?

- Jon Funabiki kể: Năm 2007, một học trò của tôi từ VN về. Trong hành trang của cô học trò ấy có một đoạn phim quay một nạn nhân chất độc da cam. Sau khi xem xong đoạn phim ấy tôi đã khóc. Và từ đoạn phim của cô học trò đó, tôi quyết định phải làm một cái gì để dứt điểm câu chuyện này. Đã 35 năm rồi... Không thể trễ hơn được nữa.

* Ông có thể cho biết danh sách 16 tờ báo, đài truyền hình nằm trong danh sách mà ông mời trong chuyến đi thực tế đến VN sắp tới?

- Hiện nay tôi chưa thể công bố danh sách này. Thật sự nó cũng chưa hoàn tất, bởi vì tôi muốn tìm những nhà báo thật sự quan tâm, thật sự có tấm lòng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần vạch ra một chút gọi là định hướng trong việc giới thiệu câu chuyện về nạn nhân chất độc da cam. Bởi nếu không khéo sẽ phản tác dụng. Ví dụ, tôi đã tận mắt nhìn thấy những em bé dị dạng vì chất độc da cam.

Thật khủng khiếp. Hình ảnh những em bé ấy nếu được đưa lên báo, lên truyền hình một cách quá trần trụi sẽ khiến người xem sốc. Và khi quá sốc thì người ta sẽ có phản ứng tiêu cực là không xem nữa. Như thế chúng tôi sẽ không đạt được mục tiêu như mong muốn.

* Nói đến dự án là phải nói đến chuyện tiền. Ông có thể cho biết nguồn kinh phí cho dự án này từ đâu?

- Quỹ tài trợ Ford. Đây là nguồn tài chính chính cho Trung tâm Phục hưng báo chí, và dự án tìm công lý cho nạn nhân da cam VN nằm trong chương trình hoạt động của trung tâm. Thông qua dự án tìm công lý cho nạn nhân da cam VN, chúng tôi cũng nhằm thử nghiệm một số phương pháp làm báo mới trong tình hình hiện nay.

* Trong suy nghĩ của ông, liệu có một sự liên hệ nào từ những nạn nhân của hai quả bom nguyên tử mà người Nhật phải gánh chịu ở Thế chiến thứ hai với nạn nhân chất độc da cam VN?

- Không. Với tôi, chỉ đơn thuần đó là lương tri. Đứng trước bất cứ sự bất công nào tôi cũng đều có thái độ như thế.

* Chúng tôi có thể gọi giáo sư Jon Funabiki là một người Mỹ gốc Nhật, hay một người Nhật sống tại Mỹ?

- Tôi là người Mỹ, có một chút xíu Nhật (cười).

(Theo Tuôỉ trẻ online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất