Nếu 88 triệu người Việt Nam đều hiểu được CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng quốc gia và có thể sử dụng thành thạo CNTT-TT trong mọi hoạt động của đời sống xã hội thì Việt Nam sẽ không phải "đi sau thời đại".
Thế nào là "hạ tầng của hạ tầng"?
Các lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam như điện, đường, trường, trạm,… đều đang vướng phải những "bài toán khó" như quá tải trường học, quá tải bệnh viện, cung điện lưới không đáp ứng được cầu, lãng phí nước do không có giải pháp để kiểm soát, quản lý…
Những bất cập trên đã và đang được khắc phục khi CNTT-TT "len lỏi" vào từng lĩnh vực hạ tầng, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả hiện có. PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT dẫn chứng: "Chỉ mới Tin học hóa ở mức 1, công suất của một bệnh viện đã tăng 4 lần. Hoặc nếu tổ chức các kỳ thi thi bằng phương thức điện tử sẽ không còn những vấn nạn như phao thi, tốn kém công sức, chi phí thi tuyển…”.
Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, trong tư duy của đa số người dân Việt Nam, CNTT-TT chỉ được quan niệm đơn thuần là một loại sản phẩm, một thứ hàng hóa làm ra để bán, để dùng - chẳng hạn như điện thoại, tivi kết nối Internet, phần mềm kế toán... Giới lãnh đạo thì chỉ nhìn nhận CNTT-TT dưới góc độ một ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại doanh thu từ việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ để đóng góp vào GDP của quốc gia. Bản thân các nhà làm công nghệ cũng chỉ hướng tới mục tiêu phát triển của riêng ngành mình.
Trong khi xu hướng tư duy hiện đại khẳng định CNTT-TT không chỉ là những sản phẩm, giải pháp cụ thể để gia tăng tiện ích cho đời sống của người dân, doanh nghiệp mà còn là nền tảng quan trọng hỗ trợ các hạ tầng kinh tế cải thiện và gia tăng hiệu quả phục vụ đời sống xã hội. Nói cách khác, CNTT-TT được nhìn nhận là hạ tầng của mọi hạ tầng quốc gia.
Ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn nhấn mạnh tới CNTT-TT ở góc độ một "lời giải" giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. "Rất nhiều quốc gia đã và đang mắc phải bẫy thu nhập trung bình, song chỉ một số ít vượt ra khỏi được bẫy. Điểm chung của những quốc gia này là tư duy phát triển đất nước dựa vào CNTT-TT, sử dụng CNTT-TT như lực lượng sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tấm gương nổi bật ở châu Á là Hàn Quốc, gần đây là Ấn Độ. Cách tư duy về CNTT-TT của Việt Nam hiện chưa chuẩn, chưa định vị được CNTT-TT đúng với ý nghĩa CNTT-TT là nền tảng phát triển mà các quốc gia khác đã tư duy, đã dùng để xoay chuyển tình thế đất nước", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Vai trò của truyền thông
Tháng 1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13 trong đó khẳng định "CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng quốc gia". Nhưng đến giờ, rất nhiều người Việt Nam, từ cấp lãnh đạo tới người dân bình thường vẫn mù mờ về khái niệm này.
"Triển khai quán triệt Nghị quyết 13 đồng nghĩa với cuộc vận động 88 triệu người nhận thức được CNTT là hạ tầng của hạ tầng quốc gia. Công tác truyền thông sẽ không đơn giản bởi còn rất nhiều người không thích ứng dụng CNTT-TT, đơn cử không ít cán bộ cung cấp bông băng ở bệnh viện đang cấp số lượng bông băng nhiều gấp 4 lần so với định mức, nếu tin học hóa việc cấp phát theo định mức được công khai, minh bạch sẽ bị giảm nguồn thu", PGS.TS Trương Gia Bình nhận xét.
Theo TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), các cơ quan báo chí phải tuyên truyền chỉ đạo mạnh hơn, làm sao để đất nước phát triển đi lên bằng CNTT-TT chứ không phải mạnh về CNTT-TT. Hiện các báo, đài chỉ tuyên truyền về những sản phẩm, giải pháp CNTT-TT cụ thể, có thể thu hút giới trẻ song cần nhìn ở tầm cao hơn, cần cử người phụ trách công tác truyền thông định kỳ cho các Nghị quyết. Nói cách khác là phải đẩy mạnh công tác vận động quần chúng và lãnh đạo các cấp quán triệt, triển khai tốt các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ.
TS. Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học thì nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Khi mỗi người dân đều thành thạo sử dụng CNTT-TT thì có thể thắc mắc tại sao chính quyền bắt dân đi hàng chục km đến trụ sở để làm thủ tục hành chính trong khi có thể ngồi ngay tại nhà điền các mẫu đơn qua mạng. Một người phản ánh có thể hiệu lực chưa cao nhưng nhiều người cùng phản ánh thì chắc chắn lãnh đạo phải có động thái thay đổi lại tư duy và cách thức làm việc của bộ máy dưới quyền. Phải tin học hóa các thủ tục hành chính, tích cực cung cấp những dịch vụ công dưới dạng trực tuyến. Khi đó, người dân sẽ tiết giảm rất nhiều chi phí, công sức thực hiện các thủ tục hành chính, tránh được những phiền hà, tiêu cực khi phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ công quyền./.
Ngọc Mai - ICTnews