Nỗ lực đàm phán của Thủ tướng Anh Theresa May với Liên minh châu Âu (EU) về nội dung thỏa thuận đưa Anh rời EU, hay còn gọi Brexit, càng trở nên vô vọng khi hôm 14/2, Quốc hội nước này bác bỏ chiến lược tái đàm phán Brexit của bà Theresa May.
Phải nói rằng, bà Theresa May đã nỗ lực rất nhiều để đề xuất sửa đổi
thỏa thuận Brexit có thể qua được “cửa ải” Hạ viện ngày 30/1 vừa qua.
Theo đó, đề xuất này cho phép Thủ tướng Anh đàm phán lại với EU và sẽ
ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu dỡ bỏ điều khoản khiến London phải giữ biên
giới mở với Ireland.
Ngỡ rằng, Quốc hội đã đồng lòng, sẵn sàng “chung
lưng đấu cật” cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, song kết quả cuộc bỏ
phiếu hôm 14/2 đã phản ánh một thực tế ngược lại.
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới. Nhưng cho đến nay, bà
May vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn của Hạ viện đối với “thỏa thuận ly
hôn”.
Điểm mấu chốt của bế tắc là điều khoản “rào chắn”. Điều khoản này
nhằm duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) với
nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU) thời hậu Brexit nếu hai bên chưa đạt
thỏa thuận thương mại song phương. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc
Ireland không ủng hộ vì điều khoản này đồng nghĩa với việc Anh tiếp tục ở
lại liên minh thuế quan của EU. Vì vậy, họ nỗ lực loại bỏ điều khoản
này khỏi “thỏa thuận ly hôn”. Trong khi đó, Công đảng đối lập cho biết
sẽ chỉ ủng hộ thỏa thuận của chính phủ nếu Thủ tướng May đưa ra 5 cam
kết pháp lý, trong đó có việc tham gia liên minh thuế quan chung.
Các
bất đồng đã dẫn tới việc gần sát ngày phải “ra đi” nhưng thỏa thuận của
bà May vẫn chưa nhận được đủ số phiếu cần thiết. Vậy nên, bà May mới thử
đưa ra các thay đổi đối với điều khoản "rào chắn", sau đó lấy ý kiến
của các nghị sĩ với hy vọng sẽ có một kết quả suôn sẻ như đã từng đạt
được hôm 30/1.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng nếu thành công, cuộc
bỏ phiếu sẽ tiếp thêm động lực cho Thủ tướng Theresa May bước vào đàm
phán lại nội dung thỏa thuận Brexit với EU trước ngày 29/3.
Nhưng, động lực chưa thấy đâu mà nữ tướng Theresa May đã phải chấp nhận
kết cục không như mong đợi. Với 258 phiếu thuận và 303 phiếu chống, các
nghị sĩ Anh đã nhấn mạnh rằng London cần tiếp tục thương lượng với EU
về điều khoản liên quan biên giới giữa xứ Bắc Ireland của Anh và Cộng
hòa Ireland.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, song kết quả cuộc bỏ phiếu đã
tạo thêm một “nút thắt” cho tiến trình đàm phán Brexit kéo dài hai năm,
khắc sâu thêm rạn nứt trong cơ quan lập pháp Anh về cách thức đưa vương
quốc này rời EU.
Thất bại trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/2 một lần nữa chỉ ra một thực tế
rằng, Thủ tướng May cho tới nay vẫn chưa thể có được sự đồng thuận của
đa số nghị sĩ với chương trình hành động của mình.
Nguy hiểm hơn, kết
quả này hoàn toàn có thể được EU sử dụng trong cuộc đàm phán sửa đổi
thỏa thuận mà bà May đang nỗ lực theo đuổi, khiến “cơn ác mộng” Anh rời
khỏi “mái nhà chung” EU mà không có một thỏa thuận cụ thể đang ngày càng
hiện hữu./.
Linh Oanh (qdnd.vn)