Việt Nam vẫn đứng thứ 11 trong số các nước có số người chết vì tai nạn giao thông lớn nhất thế giới. 10 năm qua, Việt Nam phải chi phí 40.000 tỷ đồng giải quyết hậu quả tai nạn giao thông, tương đương xây dựng 600.000 ngôi nhà tình nghĩa.
Sáng 23/10, Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia đã họp báo thông báo về kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông năm 2012. Lễ phát động tưởng niệm này được tổ chức theo sự kêu gọi của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng niệm nạn nhân giao thông.
Mục đích của các hoạt động này tại Việt Nam, nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn, nâng cao nhận thức, ý thức người tham gia giao thông, tinh thần trách nhiệm của lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kêu gọi sự giúp đỡ chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất mất mát khó khăn của các nạn nhân, gia đình có người bị tai nạn…
Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông sẽ có tác động sâu sắc tới người dân về hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của người tham gia giao thông. Đồng thời thông qua hoạt động này, xã hội sẽ có sự đồng cảm, chia sẻ giúp đỡ các gia đình, nạn nhân bị tai nạn giao thông.”
Được bầu chọn làm Đại sứ thiện chí của sự kiện này, Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo chia sẻ sự vinh dự khi được tham gia đồng hành cùng hoạt động ý nghĩa này và kêu gọi mọi người hãy tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông để tự bảo vệ mình và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, chung tay sẻ chia, khắc phục hậu quả mà tai nạn đã để lại cho những nạn nhân và gia đình phải gánh chịu.
|
Theo thống kê, số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta trong 9 tháng đầu năm gần bằng một sư đoàn. |
Số người chết vì tai nạn giao thông gần bằng một sư đoàn
Theo thông tin từ buổi họp báo, để tham gia hưởng ứng sự kiện này, Ủy ban An toàn giao thông sẽ thành lập 5 đoàn thăm hỏi các gia đình nạn nhân tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên (Gia Lai, Kom Tum), Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp), Tây Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang), tối thiểu mỗi tỉnh, đoàn sẽ thăm hỏi, động viên 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do tai nạn gây ra, đồng thời tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Tổng kinh phí chung cho tổ chức các hoạt động hướng tới “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2012 sẽ là 15 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 2 tỷ đồng, số tiền còn lại được huy động từ các nguồn xã hội hóa, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp…
Tại buổi họp báo, đánh giá về tình hình tai nạn giao thông những tháng vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm nay, số người chết gần bằng một sư đoàn, số người bị thương bằng 5 sư đoàn.
Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, 10 năm qua có hơn 100 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, bình quân mỗi năm có 11 nghìn người chết.
Cụ thể, mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông để lại đồng thời những người gây tai nạn và người gánh hậu quả tai nạn sẽ phải chịu những dằn vặt tinh thần suốt cuộc đời.
Theo ông Hiệp, bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả tai nạn giao thông. Số tiền trên có thể xây dựng được 10 bệnh viện đạt cấp tỉnh, 1.123 trường học, 6.400 căn nhà tình nghĩa trên cả nước.
Để hạn chế và giảm tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông cùng các ban ngành Trung ương và địa phương kêu gọi xã hội hãy hành động vì một môi trường thân thiện, lành mạnh hơn.
“Mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông/năm chắc chắn sẽ hoàn thành nhờ nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể địa phương cùng người dân trong việc thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông. Năm 2011-2020 được chọn là Thập kỷ an toàn giao thông đường bộ, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm 50% số người chết vào năm 2020 tương đương với 6.000 người chết mỗi năm,” ông Hiệp khẳng định./.
Theo VnMedia