Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 16/6/2012 22:12'(GMT+7)

Con thuyền Syria - đã tới lúc phải đổi hướng buồm?

Pháo kích vào Joret el-Shayah, Homs (Syria) hôm 14/6. (Ảnh: AP)

Pháo kích vào Joret el-Shayah, Homs (Syria) hôm 14/6. (Ảnh: AP)

Những ngày vừa qua, dư luận đã chứng kiến sự chuyển hướng rõ rệt trong lập trường của Nga đối với vấn đề Syria. Mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn. Dường như “tấm lá chắn” quan trọng hàng đầu của Syria là Nga ngày càng nhận ra rằng, họ không thể chờ đợi thêm nữa sự thay đổi tại quốc gia Trung Đông này khi mà các cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn một năm qua đang có dấu hiệu leo thang.

Sự đảo chiều trong cách tiếp cận vấn đề Syria của Nga rất có thể sẽ mở ra cơ hội cho một sự can thiệp sâu hơn của cộng đồng quốc tế vào Syria. Vì thế, con thuyền Syria - nếu không tính tới phương án “đổi hướng buồm” e rằng sẽ là quá muộn để nước này tránh khỏi kịch bản tồi tệ.

Lời khẳng định mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng Nga chấp nhận giải pháp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra đi nếu động thái này dẫn tới sự đối thoại giữa người dân Syria mà không qua các sức ép bên ngoài - đã khiến dư luận thế giới khá bất ngờ. Điều này chứng tỏ một sự đảo chiều rõ nét trong lập trường của Nga đối với vấn đề Syria.

Suốt hơn 1 năm qua, Nga được biết đến như một “tấm lá chắn” hữu hiệu nhất của chính quyền Tổng thống Syria al-Assad trước mũi nhọn công kích của Mỹ và phương Tây về tình hình bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Cùng với Trung Quốc, Nga đã hơn một lần bác bỏ việc thông qua Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm gây sức ép với chính quyền Syria nhằm dẫn tới việc lật đổ chế độ này như mong muốn của Mỹ và phương Tây. Song giờ đây, sẽ là ngây thơ nếu chính quyền Syria trông đợi sự che chở từ bên ngoài.

Trước kia, lập trường của Nga rất rõ ràng, thứ nhất là bảo vệ sự tồn tại của chế độ do ông al-Assad nắm quyền và thứ hai là không chấp nhận sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Vì thế, một khi tính toán tới khả năng ông Bashar al-Assad có thể sẽ phải ra đi, nghĩa là Nga đã nhượng bộ một nửa trước sức ép của phương Tây trong vấn đề Syria.

Đành rằng Syria gắn liền với nhiều lợi ích chiến lược của Nga bởi Syria là bạn hàng vũ khí quan trọng của Nga, là nước Trung Đông duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự, song với Nga - thay đổi quan điểm cũng là việc chẳng đặng đừng.

Bảo vệ đồng minh Syria không có nghĩa là Nga có thể phớt lờ các mối quan hệ đối ngoại khác. Moscow bắt đầu lo ngại lập trường bảo vệ ông Assad đến cùng sẽ làm sứt mẻ nghiêm trọng quan hệ vốn không êm thấm với Mỹ, phương Tây và một số nước Arab. Hơn thế, tình hình bạo lực leo thang nghiêm trọng ở Syria như thời gian vừa qua cũng khiến Nga khó bảo lưu quan điểm của mình.

Dĩ nhiên, Nga không muốn bị dư luận thế giới đặt dấu hỏi là trách nhiệm quốc tế của Nga ở đâu khi bảo vệ một chính quyền để đất nước lâm vào tình trạng bạo lực không thể kiểm soát trong suốt 15 tháng qua.

Không thể phủ nhận rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm trong tay một lực lượng quân đội mạnh, được đào tạo bài bản và khá trung thành. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực không đủ sức giúp ông Assad giành thế áp đảo trước phe đối lập ngày càng tập hợp đông và nhận được sự hẫu thuận mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây.

Châu Phi có một câu ngạn ngữ: người ta không thể xoay được chiều gió mà chỉ có thể đổi hướng cánh buồm của mình. Trước tình thế hiện nay, chính quyền al-Assad nếu không tính tới hướng đi khác mà chỉ dựa vào vũ lực để giải quyết vấn đề thì sẽ ngày càng trở nên bị cô lập.

Về lý thuyết, ai cũng hiểu rằng, Syria khác hoàn toàn so với Lybia bởi tầm ảnh hưởng của Syria là hết sức rộng lớn đối với khu vực. Vì thế, Mỹ và các nước phương Tây đều biết là không nên hành xử với Syria theo cách mà họ làm với Lybia. Tuy nhiên, trong các động thái mới đây, Mỹ và một số nước châu Âu đã úp mở về khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.

Bất biết bạo lực do ai gây ra, nhưng nếu vụ thảm sát Houla khiến hơn 100 người thiệt mạng vẫn tiếp diễn, thì rất có thể Mỹ và phương Tây sẽ lấy cớ để áp đặt vùng cấm bay tại Syria mà chẳng cần một nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc cho phép. Điều đó cũng sẽ tương tự như việc Mỹ và Anh từng phát động cuộc tấn công vào lãnh thổ Iraq cách đây hơn 9 năm.

Thời gian qua, những nỗ lực duy trì quyền lực của chính quyền Assad và sự nôn nóng yêu cầu dân chủ của phe đối lập đã triệt tiêu nhiều cơ hội đàm phán để giải quyết vấn đề. Song có lẽ vẫn còn một lối đi rất nhỏ để tránh cho Syria một kịch bản tồi tệ. Lúc này, Nga, Mỹ hay phương Tây vẫn chưa hoàn toàn tắt hy vọng vào vai trò trung gian của Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab - Kofi Annan nhằm tìm hướng đi cho Syria theo giải pháp hòa bình.

Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề vẫn là có hay không việc chuyển giao quyền lực? Và khi mà chính quyền của ông al-Assad chưa chấp thuận đổi chiều buồm thì con thuyền Syria vẫn phải đương đầu với sóng gió như hiện nay./. 

(Theo: Vũ Thu Hà/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất