Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 15/6/2012 22:11'(GMT+7)

Mỹ, Nga đàm phán về tình hình Xyri

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lêôn Panétta (Leon Panetta), bà Clintơn cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uyliam Bơn (William Burns) đã tiếp xúc với Ngoại trưởng Nga Xécgây Lavrốp (Sergei Lavrov) bên lề một hội nghị tại Ápganixtan. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Lốt Cabốt (Los Cabos), Mêhicô vào tuần tới.

Bà Clintơn khẳng định Mỹ muốn kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên quốc tế Côphi Annan (Kofi Annan) được thực thi đầy đủ, trong đó bao gồm cả tiến trình chuyển giao chính trị, nhằm chấm dứt bạo lực tại Xyri. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Oasinhtơn (Washington) đang tiến hành nhiều biện pháp, bao gồm cả việc tham vấn với Liên hợp quốc, các đồng minh, đối tác và phe đối lập Xyri để đạt được kết quả trên.

Trước đó, Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Annan đề xuất thành lập một nhóm tiếp xúc quốc tế để kết nối các quốc gia có vai trò lớn nhằm tìm ra một giải pháp sớm chấm dứt khủng hoảng Xyri, trong khi Nga đưa ra ý tưởng tổ chức hội nghị quốc tế về Xyri.
 
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết trong tình hình hiện nay Bắc Kinh cho rằng tất cả các bên cần phải ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực trung gian của đặc phái viên Annan, tuân thủ nghị quyết của HĐBA LHQ và kế hoạch 6 điểm do ông Annan đề xuất. Ông nhấn mạnh các hành động của cộng đồng quốc tế đối với Xyri phải mang lại kết quả giảm căng thẳng và tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Ông Lưu Vi Dân cũng khẳng định Bắc Kinh không ủng hộ bất cứ hướng giải quyết nào thiên về trừng phạt và gây sức ép. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Pháp Lôrăng Phabiớt (Laurent Fabius) đề xuất trao cho LHQ quyền thực thi kế hoạch hòa bình Xyri của ông Annan và lập vùng cấm bay tại nước này.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Víchtoria Nulen (Victoria Nuland) thừa nhận Mỹ đã cung cấp các thiết bị liên lạc cùng các hình thức hỗ trợ khác cho các thành viên lực lượng đối lập tại Xyri. Bà Nulen không cho biết cụ thể, song theo một nguồn thạo tin, các hỗ trợ của Mỹ bao gồm phần mềm giúp truy cập Internet và xuyên qua tường lửa, các điện thoại vệ tinh có khả năng định vị toàn cầu. Bà cũng thừa nhận cái gọi là sáng kiến tự do Internet trong khuôn khổ chương trình mà Mỹ đã làm từ lâu với công dân ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 2008 đến nay, Mỹ đã chi 76 triệu USD cho các chương trình này, và riêng trong năm nay, Oasinhtơn sẽ dành thêm 25 triệu USD.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ôbama đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Arập Xêút Ápđula (Abdullah) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực. Nhà Trắng không tiết lộ nội dung cuộc điện đàm, chỉ nói hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hàng loạt vấn đề cùng quan tâm. Arập Xêút từng kêu gọi các nước trong khu vực cung cấp các phương tiện cho lực lượng đối lập ở Xyri để chống lại chính phủ của Tổng thống Basa An Átxát (Bashar Al Assad).

Liên quan đến tình hình bạo lực tại Xyri, các nguồn tin cho biết ít nhất 52 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ và đánh bom trên khắp nước này trong ngày 14/6. Người phát ngôn của phái đoàn LHQ tại Xyri cho biết một nhóm nhân viên LHQ đã đến thị sát tình hình thị trấn An Haphê (Al Haffeh), nơi xảy ra bạo lực dữ dội trong tuần qua. Thông báo của LHQ cho biết hầu hết các tòa nhà chính phủ, cửa hàng, nhà dân bị phá hủy, cướp bóc và nhiều người chết. Phóng viên AFP cùng đi theo đoàn LHQ cũng xác nhận thực trạng trên và còn cho biết trụ sở đảng BAATH cầm quyền đã trở thành trung tâm của cuộc đấu súng lớn. Chính phủ Xyri tuyên bố an ninh đã được khôi phục ở An Haphê sau khi quân đội quét sạch các nhóm khủng bố vũ trang tấn công dân thường và cướp phá tài sản ở thị trấn này. Trong khi đó, phe đối lập nói rằng họ rút khỏi thị trấn để bảo vệ tính mạng dân thường.

Cùng ngày 14/6, Chính phủ Xyri đã trả tự do cho 192 đối tượng bị bắt giữ trong làn sóng bạo lực suốt 15 tháng qua. Việc trả tự do cho tù nhân được thực hiện dưới sự chứng kiến của các quan sát viên LHQ. Trước đó một ngày, chính phủ cũng trả tự do cho 500 tù nhân, nâng tổng số tù nhân được phóng thích trong sáu tháng qua lên tới trên 3.000 người. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ Xyri thực hiện yêu cầu của phe đối lập để thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Annan./.

(Theo: TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất