Ca dao: “tháng Giêng là tháng ăn chơi…” không phải để cổ vũ, mà cảnh báo mọi người tránh sa đà vào những vui thú vô bổ.
Đã qua “tháng Giêng là tháng ăn chơi”- nói theo câu ca dân gian. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo những thông tin mà chúng tôi có được thì trong tháng này, sự quá đà của nhiều người đã gây ra không ít hậu quả đáng tiếc và những hệ luỵ về lâu dài. Đáng báo động nhất là tệ cờ bạc. Nhưng chế tài xử lý tệ nạn này vừa đóng lại vừa mở, nên cần được sự bổ sung và thường xuyên hơn.
Thời điểm trong và sau Tết, ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội…, các tụ điểm cờ bạc bùng phát rầm rộ với nhiều hình thức và mức độ sát phạt khác nhau. Nhưng trong tháng Giêng của năm mới Tân Mão, ở mỗi tỉnh, thành phổ chỉ bắt được trên dưới chục vụ.
Không chỉ dịp Tết đến Xuân về, tệ cờ bạc gần như diễn ra quanh năm, cả công khai và núp bóng. Tại vùng nông thôn, miền núi thì cờ bạc ở sân kho, đình chùa, miếu mạo, trong trang trại, trong rừng. Những người máu mê đỏ đen còn rủ nhau về nhà riêng để sát phạt. Ngang nhiên hơn là công nhân cờ bạc ngay tại công trường, nơi bảo dưỡng máy móc, điểm đỗ xe; công chức viên chức chơi cờ bạc ngay tại nhiệm sở. Công an thừa nhận rằng không thể kiểm soát xuể, cũng khó xử lý triệt để. Lực lượng có hạn, trấn được chỗ này lại bùng ra chỗ khác. Có những ổ bạc lớn từng gây bức xúc trong dư luận, công an dồn lực lượng, trí tuệ và nhiều biện pháp nghiệp vụ linh hoạt mới bắt được quả tang, nhưng khi xử lý lại vướng phải những chế tài vênh nhau, nhiều trường hợp vướng vào quan hệ khó bóc tách.
Hậu quả của những trò đỏ đen không cần bàn thêm vì ai cũng thấy, và thấy rất rõ. Có người khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất, gia đình tan vỡ; cha mẹ già, con nhỏ không nơi nương tựa, bấu víu. Có người tù tội, có người cùng quẫn tìm đến cái chết. Rồi đi kèm theo đó là nạn cho vay nặng lãi, cướp giật, đòi nợ thuê, chém giết nhau, tệ ma tuý, mại dâm…
Hậu hoạ to lớn như vậy nên pháp luật nghiêm cấm hành vi đánh bạc dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, cái khó trong xử lý các vụ cờ bạc là ở mức độ sát phạt nhau. Theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành công an và toà án, chế tài trong lĩnh vực này “vừa đóng lại vừa mở”. ta không làm triệt để được vì vẫn có casino, vẫn cho phép nơi này nơi khác kinh doanh những trò vui chơi có thưởng. Xét trên góc độ bình đẳng thì bất cập vì người giàu được phép đánh bạc, còn người ít tiền đánh bạc là có tội(!)
Bộ Luật hình sự quy định không phân biệt đánh ở đâu, đánh ít hay đánh nhiều, nhưng theo luật sửa đổi bổ sung thì ăn thua dưới 2 triệu đồng không cấu thành tội. Đó là chưa kể trong nhiều vụ cờ bạc bị bắt quả tang có sự tham gia của những công chức, viên chức, cán bộ, thậm chí cả giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp Nhà nước, rồi phó giám đốc sở, phó giáo sư, giáo sư, rồi cả công an, cán bộ kiểm soát, thẩm phán… Đa phần những việc này được xin xử lý nội bộ hoặc chìm đi, tỉ lệ xử lý nghiêm là rất nhỏ.
Bên cạnh những bất cập trong chế tài xử lý và quan hệ, tệ cờ bạc tràn lan còn có nguyên nhân xã hội. Lối sống thực dụng coi đồng tiền trên hết đã kích thích màu đỏ đen của những người lười lao động mà muốn có tiền nhanh. Sự gia tăng tệ cờ bạc còn báo động về đạo đức xã hội suy thoái, văn hóa xuống cấp, phản ánh đời sống tinh thần nghèo nàn trong một bộ phận không nhỏ người dân.
Nhân dân ta nói: “tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè” không phải để cổ vũ, mà là để cảnh báo mọi người tránh sa đà vào những vui thú nhất thời, vô bổ, lợi bất cập hại đó. Bởi thế cũng thấy là nên nhắc nhở những người con chưa dứt được đam mệ chơi bời cờ bạc, rằng đã hết tháng Giêng rồi đấy! Nhân dân ta cũng nói: “Tháng Chạp là tháng trồng khoai, tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà, tháng Ba cày vỡ ruộng ra…”. Lao động không ngừng nghỉ, lo toàn quanh năm suốt tháng, đó mới là con nđường làm giàu chân chính, vững bền. Và chỉ có lao động mới làm phong phú đời sống tinh thần của con người bằng những giá trị đích thực, trường tồn./.
(Theo: VOV)