Thứ Hai, 23/9/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 1/4/2011 21:26'(GMT+7)

Cải cách tư pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 1/4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ) tổ chức Hội thảo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ 49).

Hội thảo này được diễn ra trong 2 ngày (từ 1-2/4/2011) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng ban Thứ nhất BCĐ.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp ý kiến của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện NQ 49.

Cải cách tư pháp đạt kết quả khá toàn diện 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định cải cách tư pháp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Dự thảo Báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại các địa phương nêu rõ, công an các địa phương đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ; chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm ngày càng được nâng lên.

Chất lượng các mặt công tác tư pháp từ bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử… có nhiều tiến bộ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hạn chế sai sót và vi phạm thủ tục tố tụng, hạn chế oan sai. Trình tự, thủ tục xét xử các vụ án được thực hiện chặt chẽ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Đội ngũ cán bộ tư pháp có sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp được quan tâm, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ pháp lý…

Thảo luận về một số vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện NQ 49 ở địa phương, các đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được trong công tác cải cách tư pháp thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

NQ 49 được các địa phương chủ động quán triệt, triển khai sâu rộng với chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Tuy nhiên các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế trong quá trình triển khai NQ 49 như hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm chưa cao; tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; còn tình trạng tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; công tác thi hành án dân sự còn hạn chế; tỷ lệ án chưa được thi hành còn cao; việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ…

Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật

Sau 5 năm triển khai thực hiện NQ 49 ở địa phương, một số bài học kinh nghiệm được rút ra như phải nắm vững quan điểm, nội dung trọng tâm của NQ 49, xây dựng chương trình cụ thể, sát thực, phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị; phải xác định rõ lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp

Đồng thời, tăng cường sự  lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND đối với công tác cải cách tư pháp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách tư pháp…

Nhiều đại biểu cho rằng, muốn công tác cải cách tư pháp đạt hiệu quả, vấn đề mấu chốt vẫn là sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trước hết, cần đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng, ban hành Luật giám sát HĐND, Luật Phổ biến, giáp dục pháp luật. Khi ban hành các văn bản pháp luật mới, các cơ quan có liên quan cần khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, kịp thời.

Đi liền với đó, trong cải cách tư pháp, phải coi trọng việc xây dựng lòng tin của nhân dân vào nền tư pháp, vào công cuộc cải cách tư pháp, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.

Bên cạnh đó, quan tâm bổ sung biên chế cho các cơ quan tư pháp địa phương; đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc đào tạo luật sư; sớm ban hành chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài vào công tác trong các ngành tư pháp; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác tư pháp ở vùng sâu, vùng xa…

Các đại biểu cũng đề nghị cần sớm có định hướng về mô hình tổ chức, hoạt động của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra theo Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra.

Sáng 2/4, các đại biểu sẽ tham luận, trao đổi về tình hình thực hiện công tác giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, thực trạng về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng địa phương đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất