Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Ba, 23/9/2008 14:9'(GMT+7)

Công bố danh sách "đen" các doanh nghiệp gây ô nhiễm

Kênh Tham Lương ô nhiễm vì nước thải của khu công nghiệp Tân Bình

Kênh Tham Lương ô nhiễm vì nước thải của khu công nghiệp Tân Bình

Theo đó, trong tổng số 13 khu công nghiệp, khu chế xuất tại đây có tới 11 khu công nghiệp, khu chế xuất có DN được liệt vào danh sách này.

Phạt vẫn không sợ!

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân dẫn đầu với 7 DN nằm trong danh sách "đen". Cty TNHH sản xuất thương mại Lê Phú xả nước thải của khâu giặt tẩy lông vịt vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần ra môi trường. Cty TNHH Hoàng Trung Phát - sản xuất giấy - xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.

Hầu hết các DN nằm trong danh sách "đen" đều đã bị kiểm tra từ 2 đến 3 lần, nhưng sau mỗi lần kiểm tra đều không có các biện pháp chấn chỉnh. Cũng tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Cty TNHH TP-CN Hua Heong - chế biến thuỷ - hải sản, nông sản - cũng đã có 2 lần bị xử lý vi phạm. Một Cty khác là Cty TNHH Jin Kyong Việt Nam - cả 3 lần kiểm tra thì cả 3 lần đều phát hiện sai phạm.

Theo HEPZA, hiện nay có đến 30% trong tổng số 944 DN đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 9.9, Phòng Quản lý xây dựng và môi trường tiến hành kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Cát Lái (quận 2). Chủ đầu tư của khu công nghiệp này là Cty phát triển nhà quận 2. Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Cát Lái theo thiết kế có công suất xử lý 600m3/ngày đêm.

Làm việc với Cty phát triển nhà quận 2, ông Nguyễn Hoàng Nam (giám đốc) cho biết, trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Cát Lái không thể vận hành được là do chưa... có điện. Phối kiểm từ nhiều nguồn thông tin thì các cán bộ của HEPZA được biết, đầu tháng 8.2008, Điện lực Thủ Thiêm đã kéo một đường dây điện tạm để cung cấp điện cho trạm này hoạt động. Như vậy, lý giải của ông Nguyễn Hoàng Nam là cách chống chế.

Tồn tại đến bao giờ?

Điểm chung nhất của các DN vi phạm đó là họ vui vẻ chấp nhận nộp phạt hành chính, nhưng sau đó tái phạm nhiều lần, không chịu chấn chỉnh. Thực trạng này bắt nguồn từ việc có quá nhiều  đơn vị quản lý khâu môi trường trong các khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm chính.

Theo quy định hiện hành, Phòng Quản lý xây dựng và môi trường (thuộc HEPZA) kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cho thanh tra Sở TNMT ra quyết định xử phạt (từ năm 2005 đến nay đã xử phạt được 359 trường hợp vi phạm).

Theo ông Ngô Anh Tuấn - Phó ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM: Đối với một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã kiểm tra, lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng không sửa đổi, chúng tôi rất muốn rút giấy phép nhưng không được.

Bởi theo quy định, khi doanh nghiệp gây ô nhiễm điều đó có nghĩa họ đã vi phạm giấy phép đầu tư (trước khi cấp phép đầu tư có đánh giá tác động môi trường), thế nhưng bộ phận cấp phép đầu tư lại cho rằng hiện nay chưa có quy trình để thực hiện.

Còn theo Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng có quyền đình chỉ, cưỡng chế bộ phận gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp, thế nhưng ai thực hiện? Nếu là quận, huyện thì không đúng, còn về phía HEPZA thì lại không có người..." (?!).

Danh sách các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường:

1. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân: Cty TNHH SX-TM Lê Phú, Cty TNHH Hiếu Hảo, Cty TNHH Hoàng Trung Phát; Cty TNHH SXTM Lộ Hiệp Hoà, Cty TNHH TP-CN Hua Heong, Cty TNHH Jin Kyong Việt Nam;

2. Khu công nghiệp Tân Bình: Cty TNHH SX-TM XNK dệt nhuộm Hoa Tiến, Cty TNHH Hoàng Hà, Cty cổ phần Hoàng Hạc;

3. Khu công nghiệp Tân Tạo: Cty TNHH sản xuất Tân Thuận Thành, Cty TNHH SX-TM DV XNK Khải Đằng, Cty TNHH Song Tân;

4. Khu công nghiệp Vĩnh Lộc: Cty cổ phần Hoàng Quỳnh, Cty TNHH Ngọc Minh, Cty TNHH TM bao bì Quang Huy;

5. Khu công nghiệp Tây - Bắc Củ Chi: Cty TNHH Chieh Lin (Việt);

6. Khu công nghiệp Cát Lái 2: Cty TNHH SXTM Thanh Luân;

7. Khu chế xuất Linh Trung: Cty TNHH Yujin Vina;

8. Khu công nghiệp Hiệp Phước: Cty cổ phần thuộc da Hào Dương;

9. Khu công nghiệp Bình Chiểu: Cty cổ phần CN&TM Lidovit;

10. Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp: Cty TNHH Việt Nam Nothern Viking Technilogies;

11. Khu công nghiệp Tân Phú Trung: DNTN Thăng Long, Cơ sở muối Thông Tín, Cty TNHH SX TM DV Tường Trung, Cty TNHH SX TM DV Nghiệp Hưng.

Theo LĐ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất