Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 6/8/2015 16:6'(GMT+7)

Công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Các em học sinh đến thư viện đọc sách. Ảnh: Thùy Dung – TTXVN

Các em học sinh đến thư viện đọc sách. Ảnh: Thùy Dung – TTXVN

Mục tiêu chính của Chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển khả năng của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.

Tiến gần với xu thế quốc tế


Trước khi xây dựng Chương trình, các chuyên gia giáo dục của Việt Nam đã khảo sát, nghiên cứu tham khảo nhiều bộ chương trình, sách giáo khoa nước ngoài, tập trung vào các nước có nền giáo dục phát triển cũng như trao đổi với chuyên gia nước ngoài về thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được vận dụng các xu thế quốc tế theo nguyên tắc học tập một cách sáng tạo và có hệ thống, không rập khuôn máy móc, đáp ứng yêu cầu vừa hiện đại, hội nhập quốc tế; vừa có bản sắc dân tộc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Theo đó, Chương trình mới xác định hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm với 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).

Chương trình giáo dục được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực với tất cả các thành tố của chương trình: mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Thực hiện tích hợp mạnh ở tiểu học và trung học cơ sở, chú ý đến việc hình thành các môn học tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các chủ đề liên môn.

Thực hiện dạy học phân hoá ở tiểu học và trung học cơ sở bằng cách học sinh được tự chọn một số nội dung trong một số môn học; ở cấp trung học phổ thông bằng phương thức tự chọn nội dung trong môn học (tương tự ở tiểu học và trung học cơ sở) và tự chọn môn học. Cụ thể, bên cạnh một số ít các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn một số môn học và một số chuyên đề học tập theo quy định và phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp của các em.

Việc xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình giáo dục được thực hiện thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt như: có thời lượng dành cho giáo dục địa phương; nhà trường được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Chương trình tổng thể mới thực hiện chủ trương 1 chương trình, nhiều sách giáo khoa, đa dạng hóa tài liệu giáo dục.

Về thời lượng cụ thể, dự thảo chương trình xây dựng kế hoạch một năm học có 35 tuần thực học (gồm 32 tuần học các nội dung quy định chung cả nước và 3 tuần dành cho nội dung giáo dục của địa phương).

Ở cấp tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Ở cấp trung học cơ sở: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Cấp trung học phổ thông: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Hệ thống môn học có nhiều điểm mới


Xét về hình thức, tên gọi các môn học bắt buộc và tự chọn đã có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu mới, chương trình mới có nhiều bổ sung, thay đổi về hệ thống các môn học bắt buộc và tự chọn: từ quan niệm, tên gọi, nguyên tắc lựa chọn đến sắp xếp, phân bổ thời lượng và các hình thức tổ chức dạy học…

Trong cả 3 cấp học, các môn học được chia thành: môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Với định hướng phân hóa sâu dần từ lớp dưới lên lớp trên. Theo thứ tự từ tiểu học đến trung học phổ thông, số lượng các môn bắt buộc giảm đi và số môn tự chọn tăng dần.

Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học với nội dung tạo nên cốt lõi học vấn phổ thông, không thể thiếu đối với tất cả học sinh.

Các môn học tự chọn gồm 3 loại, loại 1: tự chọn tuỳ ý để học sinh có thể chọn hoặc không chọn như các môn học như Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật. Loại 2: tự chọn trong nhóm môn học, học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định như tự chọn một số môn trong số các môn học ngoài môn bắt buộc: Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý… Loại 3: tự chọn trong môn học là học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học như trong môn học Thể dục - Thể thao, có nhiều nội dung hoạt động khác nhau như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bơi, cờ tướng… và học sinh được chọn một số trong các họat động tùy theo sở thích, nhu cầu của mình…

Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông mới có các môn học với tên gọi mới nhưng thực chất là các môn học có nội dung kế thừa chương trình hiện hành và bổ sung các nội dung mới hoặc tích hợp, lồng ghép các nội dung liên quan trong một môn học. Cụ thể ở cấp tiểu học, môn học có tên gọi mới là: Môn “Cuộc sống quanh ta” (từ lớp 1- lớp 3) nội dung vừa kế thừa chương trình môn Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành, vừa bổ sung và phát triển theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Môn “Giáo dục lối sống” (từ lớp 1- lớp 5) vừa kế thừa nội dung chương trình môn giáo dục đạo đức hiện hành, vừa phát triển, bổ sung, thiết kế lại theo yêu cầu mới. Tiếp nối môn học này ở trung học cơ sở là môn Giáo dục công dân.

Ở cấp trung học cơ sở, môn học mới gồm: Môn Khoa học tự nhiên với cấu trúc nội dung tích hợp các chủ đề của các phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học trái đất, đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Môn Khoa học xã hội với cấu trúc nội dung tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giảnvề kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo....

Môn học mới ở cấp trung học phổ thông gồm: Môn Công dân với Tổ quốc gồm các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân cách công dân và giáo dục về quốc phòng - an ninh. Môn Khoa học xã hội nhằm trang bị kiến thức cơ bản nhất, liên hệ mật thiết với sự phát triển của xã hội và cuộc sống hiện thực, cần thiết cho tất cả mọi người. Môn Khoa học tự nhiên nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất, có tính nguyên lý chung nhất của giới tự nhiên cần thiết cho tất cả học sinh theo định hướng nghề nghiệp ở bất kỳ nhóm ngành nào để duy trì phát triển ở mức cao hơn trên nền hiểu biết rộng.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục mới của cả 3 cấp học, được phát triển từ các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá của chương trình hiện hành, được thiết kế thành các chuyên đề tự chọn nhằm giúp học sinh phát triển các năng lực, kỹ năng, niềm tin, đạo đức… nhờ vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo thông qua các hình thức và phương pháp chủ yếu như: thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động...

Thông tin chi tiết về nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng tải tại trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo: http://moet.gov.vn.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất