Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 30/10/2008 15:32'(GMT+7)

Công bố kết quả kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn II

KTNN đã tiến hành kiểm toán tại 10 tỉnh trên số 43 tỉnh triển khai chương trình này là: Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Trà Vinh.

Kết quả kiểm toán cho thấy, Chương trình đã đạt được những hiệu quả đáng phấn khởi. Những tồn tại, yếu kém qua kết quả kiểm toán Chương trình năm 2006 phần lớn đã được các địa phương khắc phục. Việc phân bổ vốn cơ bản đúng định mức, đối tượng, nội dung chương trình. Công tác giải ngân kịp thời, trên 80,2 kinh phí được sử dụng, đạt 119,31% dự toán giao. Việc sử dụng vốn, kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả hơn. Năm 2007, dự án cơ sở hạ tầng đã thanh toán 3.594 công trình, giá trị 1.396 tỷ đồng, đạt 115,05 dự toán và bằng 84,88% kinh phí được sử dụng.

Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư về giao thông, thuỷ lợi đã góp phần giảm khó khăn trong việc đi lại, nước sinh hoạt và nước tưới trong nông nghiệp cho người dân; việc tổ chức các lớp đào tạo theo nội dung của Chương trình đã nâng cao kiến thức cho cán bộ các xã, thôn bản; đã xây dựng được các mô hình sản xuất, hỗ trợ vật tư, cây giống, vật nuôi, máy móc sản xuất cho hàng vạn hộ dân, góp phần giảm dần tỷ lệ nghèo. Đến nay đã có 107 xã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II; 1000 xã làm chủ đầu tư (55,6% tổng số xã của Chương trình). 11.765 công trình, dự án đang xây dựng, trong đó công trình giao thông là 42%, thuỷ lợi là 22%, trường học là 18%...

Là năm thứ hai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II nên công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình có nhiều yếu tố thuận lợi, các văn bản quản lý, chỉ đạo của Trung ương đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ. Trên cơ sở đó, các địa phương đã bám sát nội dung chỉ đạo, cụ thể hoá nhiệm vụ của Chương trình.

Tuy nhiên, Chương trình 135 cũng vẫn còn những “bài toán khó giải” – ông Hà Hùng, Phó chủ nhiệm UBDT cho biết. Vẫn còn những bất cập trong điều hành, trong công tác quản lý do trình độ, năng lực ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; các yếu tố khách quan như lạm phát cuối năm 2007 đầu năm 2008 đã ảnh hưởng tới tiến độ nhiều công trình; tập quán sinh hoạt sản xuất của bà con vùng đặc biệt khó khăn còn lạc hậu, manh mún; công tác kiểm tra, giám sát còn lơ là ở một số nơi; công tác chỉ đạo liên ngành còn chưa kịp thời…

Theo kết quả kiểm toán, năm 2007, một số địa phương còn thụ động, chưa xây dựng Quy hoạch các công trình cơ sở hạ tầng, kế hoạch đầu tư dài hạn và kế hoạch đào tạo. Việc phân bổ vốn, kinh phí chưa thực sự hợp lý, kém hiệu quả; quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát về tài chính còn chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ dẫn đến sai phạm trong quyết toán kinh phí dự án Hỗ trợ sản xuất và có tình trạng cán bộ thu tiền của dân sai quy định. Một số sự án không hiệu quả như tỷ lệ bò, dê chết với tỷ lệ cao (Tỉnh Kon Tum), trồng chuối sai thời vụ (tỉnh Phú Thọ)…. Một số công trình hoàn thành bàn giao từ năm 2005, 2006 đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng nên có nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng, lãng phí vốn đầu tư như ở Kon Tum, Trà Vinh, Long An. Một số nơi hỗ trợ chưa đúng đối tượng, việc hỗ trợ còn manh mún, bình quân và chia đều mang tính chất hỗ trợ trực tiếp; chưa xây dựng được các mô hình kinh tế, mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn để góp phẩn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng tới thị trường có hiệu quả…

KTNN kiến nghị xử lý về tài chính 13.767 triệu đồng gồm: chuyển quyết toán năm sau 10.386 triệu đồng; các địa phương hoàn trả vốn cho Chương trình 135 là 2.081 triệu đồng; thu nộp ngân sách Nhà nước các khoản xuất toán 675 triệu đồng; giảm cấp phát, thanh toán 482 triệu đồng và giảm khác là 143 triệu đồng. Kiếm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xẩy ra các sai phạm qua kết quả kiểm toán…

Chương trình 135 giai đoạn II được phê duyệt theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ do Uỷ ban Dân tộc làm cơ quan thường trực. Chính phủ Việt Nam dành khoảng 12.950 tỷ đồng cho Chương trình 135 giai đoạn II và cộng đồng các nhà tài trợ cũng đã cam kết bổ sung 3.125 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn vay ưu đãi và vốn viện trợ không hoàn lại. Được thực hiện trong 4 năm (2006 – 2010), mục tiêu chung của chương trình là tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất