Ngày 3/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức buổi họp báo giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”.
Từ năm 2009-2012, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã triển khai đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam. Đề tài tiến hành khảo sát toàn bộ kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tuyển chọn những đoạn ghi chép hoặc vẽ về biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử. Đề tài đã được nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với bản thảo dày 3000 trang. Đây là những tư liệu hết sức có giá trị, cung cấp những căn cứ khoa học, pháp lý khẳng định chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam.
Cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” tập hợp một số tài liệu gốc ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển ở Biển Đông lần đầu tiên được cống bố, xuất bản thành sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành tháng 5 năm 2014.
Phát biểu tại buổi họp báo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết cuốn sách cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước một khối tư liệu Hán Nôm được sưu tầm, tuyển chọn có hệ thống và tập trung, được phiên âm, dịch nghĩa có kèm văn bản chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó có nhiều thông tin rất có giá trị, quan trọng khẳng định về chủ quyền, việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đây là những tư liệu rất có giá trị khoa học, trong đó có nhiều tài liệu gốc lần đầu tiên công bố, sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động khẳng định chủ quyền cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Từ trước tới nay ở trong và ngoài nước đã có nhiều đề tài, công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Mỗi công trình, đề tài đã tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và các phương pháp nghiên cứu khác nhau, tất cả đều thống nhất khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển Việt Nam ở Biển Đông, do Nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ nhiều thế kỷ trong lịch sử.
Cuốn sách đã giới thiệu 46 tư liệu Hán Nôm của các nhà khoa học Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với không chỉ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà còn các vùng biển của Việt Nam. Tư liệu gồm bản đồ, địa chí, văn bản hành chính, tạp văn, cùng nhiều loại tài liệu khác, có những tài liệu đã được công bố ở các dạng khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên cho công bố nguyên bản. Viện có thêm phát hiện về cuốn sách “Giao châu dư địa chí”, được đề viết lại theo cuốn của Trương Phụ Mộc Thạch đời nhà Minh (Trung Quốc) cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm này cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo nằm ở Biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam, do nhà nước phong kiến các triều quản lý. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm của cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, những tài liệu này sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh để đưa ra thế giới phục vụ việc đấu tranh về chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam .
Tại buổi họp báo, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng nhấn mạnh: Tư liệu Hán Nôm ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo và các vùng biển ở Biển Đông nêu trên không phải là toàn bộ tư liệu Hán Nôm, mà chỉ là bước đầu giới thiệu một số tư liệu Hán Nôm nguyên bản trong chặng đường dài sưu tập, nghiên cứu tư liệu. Điều này chứng tỏ, trong lịch sử Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhà nước Trung Quốc mới chiếm đoạt từ đầu năm 1974 mà thôi. Trong lịch sử, các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây đã thể hiện rất rõ điều này.
Thu Hằng