Ngày 21-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 5-2014 theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đã thông báo nhanh một số kết quả của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) vừa qua. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh: Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hoá và ban hành Nghị quyết " Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", trên cơ sở mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đả bản sắc dân tộc là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế và văn hoá gia đình; phát triển và đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin đại chúng, bảo vệ di sản văn hoá; phát triển công nghiệp văn hoá; chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá. Tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hoá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá. Đẩy nhanh và đổi mới việc thể chế hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hoá; tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hoá; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá.
Về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, để chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - xã hội đã khẩn trương chuẩn bị các dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị và Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, xin ý kiến Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị này.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, nhất trí, đồng tâm hiệp lực cả nước một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để hợp tác và phát triển; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày về sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam trong thời gian qua và kết quả của Đại lễ Phật giáo Vesak 2014.
PGS.TS Trần Đắc Phu (Bộ Y tế) đã trình bày về tình hình dịch sởi, bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống.
|
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TH)
|
Về định hướng công tác tư tưởng trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh:
Thứ nhất, bằng các lực lượng, phương tiện, phương thức tuyên truyền, làm cho cán bộ đảng viên đồng tình, tin tưởng, ủng hộ chủ trương, quan điểm, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta về giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông, khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và tàu thuyền máy bay vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước Luật biển năm 1992 của Liên Hợp quốc, vi phạm DOC, vi phạm thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản và các thỏa luận liên quan.
Trong khi kiên quyết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, cần tránh kích động, hận thù dân tộc, cần tránh bài trừ Trung Quốc một cách thiếu cân nhắc, thể hiện chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình chính nghĩa của Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ và đảng viên, nhân dân về quyết tâm của Đảng và Nhà nước, của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, kiên trì giải quyết sự việc bằng giải pháp hòa bình. Biểu dương các lực lượng chức năng, ngư dân đang kiên cường, dũng cảm, mưu trí, đấu tranh trên thực địa, tuyên truyền, ngoại giao và trên các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, tăng cường tuyên truyền về các vấn đề này.
Thứ ba, quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước, định hướng nhận thức hành vi cho giới trẻ, cư dân khu đô thị, khu công nghiệp, phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, Đoàn, Hội, Đội trong việc triển khai hoạt động giáo dục thế hệ trẻ bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ta, các cơ quan chức năng, góp phần một cách hiệu quả nhất giữ vững chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.
Thứ tư, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, toàn quân, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tranh thủ mức cao nhất sự đồng thuận của dư luận của quốc tế.
Thứ năm, tăng cường đối ngoại nhân dân, đưa tin về phản ứng của các tổ chức quần chúng trong công tác thông tin và vận động bạn bè quốc tế phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, ủng hộ chủ quyền của Việt Nam.
Thứ sáu, phê phán hành động thông tin và lập luận sai trái của Trung Quốc, nêu cao chính nghĩa của ta. Tranh thủ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các luật gia uy tín trong và ngoài nước có bài viết phát biểu về lập trường, quan điểm của ta.
Thứ bảy, lực lượng báo chí tuyên truyền của ta bám sát tình hình thực địa. Các kênh ngoại giao, chính trị, dư luận thông tin đầy đủ, chính xác, đúng định hướng về nội dung các hoạt động, các biện pháp đấu tranh của ta, đăng tải các bình bình luận, các ý kiến của chuyên gia về hoạt động sai trái của Trung Quốc.
Thứ tám, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, chú trọng thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, làm cho nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc, hiểu rõ, chính xác về lập trường chính kiến của Việt Nam, việc làm sai trái, phi pháp của Trung Quốc.
Thứ chín, cung cấp tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với thực tế lịch sử, thực tế, công ước quốc tế về Luật biển năm 1992, thực hiện các nguyên tắc ứng xử trên biển Đông DOC.
Thứ mười, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách đối ngoại, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thu Hằng