Thứ Sáu, 4/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 10/3/2009 9:38'(GMT+7)

Công cuộc “số hóa” đài truyền hình

Điểm đáng chú ý của quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình (PT-TH) đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là việc thay thế công nghệ phát sóng PT-TH từ analog sang kỹ thuật số. Đây là một công việc đã được chuẩn bị từ khá lâu.

Phù hợp với xu thế

Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ không cho phép con người cứ phải tiếp tục đặt niềm tin vào một hình thức truyền hình cho chất lượng hình ảnh, âm thanh trung bình, lãng phí tài nguyên tần số, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, việc lưu trữ, bảo quản tốn diện tích, tìm kiếm lâu và thiếu an toàn như analog nữa.

Công cuộc “số hóa” được coi là sự phát triển tất yếu từ khi người xem có xu hướng “mầu hóa” chiếc ti vi của mình và sự đòi hỏi về chất lượng hình ảnh, âm thanh ngày càng cao hơn. Truyền hình số có khả năng phục vụ bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào và với bất kỳ ai. Nắm bắt được xu thế đó, từ năm 2000, Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam (nay là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện - VTC) đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ truyền hình số mặt đất và được đánh giá là thành công. Điểm mà người dân dễ dàng nhận thấy khi có sự xuất hiện của kỹ thuật số, đó là thay vì vài ba kênh trước đây, giờ đây họ có thể thưởng thức hàng chục kênh truyền hình cả trong nước và nước ngoài. Thị trường truyền hình số vì thế cũng đã bước vào “cuộc đua” chiếm lĩnh thị phần khá quyết liệt.

Nhà đài sẵn sàng

Theo ông Hoàng Việt, Phó giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đưa ra lộ trình “số hóa” hoàn toàn đến năm 2020 là khá “thoải mái” với các nhà đài. Với đài PT-TH Hải Phòng, riêng về khâu sản xuất đến nay đã “số hóa” được khoảng 60%. Từ năm 2006 đến nay, đơn vị này chỉ tập trung đầu tư cho thiết bị số với kinh phí bình quân mỗi năm khoảng 5-7 tỷ đồng.

Đài Hải Phòng cũng dự kiến đến tháng 6/2009 sẽ chuyển một trong 4 kênh của Đài (bao gồm 3 kênh của VTV và 1 kênh địa phương) sang phát số. “Chúng tôi định sẽ phát thử nghiệm ban đầu kênh VTV2 bằng công nghệ số để bà con quen dần, chuyển dần. Dự kiến từ nay đến 2015, chúng tôi sẽ số hóa xong mạng PT-TH Hải Phòng”, ông Việt cho biết.

Tại Đài PT-TH Bắc Ninh, ông Nguyễn Thanh Phong, giám đốc Đài cho biết, dự kiến khoảng 2010, PT-TH Bắc Ninh sẽ chính thức phát sóng các chương trình bằng công nghệ số, hiện đã số hóa được 70% việc sản xuất các chương trình PT-TH.

“So với lộ trình của Chính phủ, Bắc Ninh sẽ hoàn thành sớm hơn 5 năm, tức là vào khoảng 2015”, ông Phong lạc quan nói. Cũng theo ông Phong, Đài PT-TH Bắc Ninh không hề gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển đổi từ analog sang công nghệ số, song cũng không thể chuyển ngay một lúc được vì vẫn đang phải tận dụng các máy analog được đầu tư từ nhiều năm trước. Những năm gần đây, Đài này đã dừng việc đầu tư, mua sắm thiết bị analog, chỉ đầu tư cho thiết bị số với số tiền khá lớn. Năm 2009 này sẽ là khoảng 10 tỷ đồng.

Người dân bối rối

Công cuộc “số hóa” của các nhà đài được nhận định là không chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp mà cả người tiêu dùng.

Khá lạc quan với điều kiện kinh tế địa phương, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, ở Bắc Ninh, nhiều hộ đã có tới vài chiếc ti vi nên không phải lo ngại việc người dân không đủ khả năng trang bị thiết bị thu truyền hình, phát thanh số.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng được thuận lợi như vậy. Theo ông Hoàng Việt, Phó giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng, hiện nay mặt bằng kinh tế của dân cư tại các địa phương chưa cao, vì vậy, nếu các đài chuyển sang phát bằng công nghệ số thì phần thu sóng của người dân cũng chưa chuyển kịp vì thiết bị thu sóng PT-TH hiện nay vẫn còn rất đắt.

Để sử dụng dịch vụ này, ngoài tiền lắp đặt ban đầu, nếu chưa thể mua được một chiếc ti vi số với giá cả chục triệu đồng thì người dân sẽ phải mua một bộ thiết bị giải mã với số tiền trên dưới 3 triệu đồng để sử dụng với chiếc ti vi cũ.

“Điều kiện kinh tế nhiều người dân chưa cho phép họ có thể đầu tư, mua sắm thiết bị này”, ông Việt nhận định, “bởi vậy, nếu chúng tôi chuyển sớm sang phát hoàn toàn bằng công nghệ số trong khi người dân chưa có thiết bị thu sóng thì cũng ảnh hưởng đến hiệu quả”. Vậy nên, dù có nhiều tính ưu việt, song do ràng buộc nhiều thứ nên tiến trình “số hóa” không thể đẩy nhanh mà phải thực hiện dần dần.

Còn đối với người dùng, hiện nay là giai đoạn “quá độ” của việc chuyển đổi, cả truyền hình analog và truyền hình số vẫn sẽ tồn tại đồng thời. Và giải pháp kinh tế nhất là vẫn có thể sử dụng ti vi analog hiện có của mình và mua thêm một bộ chuyển đổi (settop-box). Cũng theo quy hoạch của Chính phủ, mục tiêu đề ra là đến năm 2020, đa số các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo có nhu cầu được cung cấp thiết bị thu các kênh chương trình PT-TH kỹ thuật số với giá cả phù hợp.

(Theo ICTnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất