Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/4/2013 22:15'(GMT+7)

Công đoàn Việt Nam: Tổ chức gần 1.200 cuộc hội nghị, tọa đàm góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: TH

Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: TH

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau hơn 2 tháng tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tính đến nay, toàn hệ thống Công đoàn trong cả nước đã tổ chức được gần 1.200 cuộc hội nghị, tọa đàm, thu hút 40.000 lượt người tham gia với hơn 20.000 lượt ý kiến góp ý của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý cụ thể vào một số chương, điều nhằm xây dựng bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân, vì dân. Trong đó, các điều liên quan đến chế độ chính trị nhận được sự tham gia đóng góp của đông đảo đại biểu. Theo các đại biểu, các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về chế độ chính trị thể hiện một bước phát triển quan trọng trong nhận thức về bản chất dân chủ của chế độ xã hội, phản ánh mức độ tiệm cận tới các nguyên lý cơ bản và phổ biến trong tổ chức và thực thi quyền lực chính trị trong thế giới hiện đại. Ở mức độ nhất định, quá trình thực thi các quy định Hiến pháp đã góp phần phát triển nền dân chủ ở Việt Nam.

Cùng với đó, Dự thảo đã tiếp tục khẳng định vị trí chủ thể quyền lực của nhân dân, chỉ rõ bản chất và mục đích của quyền lực Nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân. Đây là một quy định nền tảng, hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Đồng thời, Dự thảo đã thể chế hóa ở mức độ nhất định tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng cơ chế chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò của các thiết chế trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, quy định của Điều 4 đã xác lập được cơ sở pháp lý đảm bảo duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Góp ý cụ thể vào các quy định Hiến pháp về chế độ chính trị, PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, Hiến pháp chưa phản ánh được một cách nhất quán những nguyên tắc và tư tưởng nền tảng về Nhà nước pháp quyền XHCN làm cho Hiến pháp phải trở thành hiện thân đầy đủ chủ quyền tuyệt đối của nhân dân ta. Đây là nguyên nhân của nhiều hạn chế và bất cập trong việc thi hành dân chủ ở nước ta, khiến cho khả năng bảo đảm chủ quyền chính trị của nhân dân trên thực tế thấp, làm giảm sức mạnh của quyền lực nhà nước. Thực trạng đó đòi hỏi phải sửa đổi các quy định theo hướng lấy dân chủ làm mục tiêu và động lực cho sự phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội.... Từ phân tích đó, PGS.TS Nguyễn Như Phát đề nghị sửa đổi phải thể hiện chủ quyền nhân dân thông qua việc tuyên bố về bản chất và mục đích của Hiến pháp. Ghi nhận các nguyên lý của Nhà nước pháp quyền thông qua các nguyên tắc về tổ chức quyền nhà nước (phân công, phối hợp giám sát lẫn nhau và từ bên ngoài, giới hạn quyền lực, độc lập xét xử…).

Đóng góp trực tiếp vào Điều 10 liên quan đến tổ chức Công đoàn Việt Nam, các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một lần nữa khẳng định Điều 10 xuất phát từ vai trò lịch sử, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Công đoàn Việt Nam có chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, vì thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã và đang thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động. Công đoàn không chỉ là tổ chức có chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn cùng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS Lê Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn khẳng định, Điều 10 đã nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam đối với giai cấp công nhân và người lao động; khẳng định nhiệm vụ của công đoàn trong việc tham gia xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng, bảo vệ đất nước. Trên thực tế, cùng với sự phát triển của đất nước, với tác động mạnh mẽ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lượng và tỷ lệ công nhân trong lực lượng lao động cả nước ngày một tăng. Dự báo đến năm 2020 tỷ lệ các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 30-35%. Như vậy, vai trò công đoàn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng giai cấp công nhân, lực lượng lao động xã hội chủ yếu của đất nước hiện nay và trong tương lai.

Cũng đồng tình với Điều 10, đồng chí Lê Đình Quảng, Ban Chính sách - Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung cụm từ "rộng lớn" sau cụm từ "Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội" và cụm từ "chính đáng" sau cụm từ "hợp pháp" để thống nhất với Luật Công đoàn.

Cùng với các nội dung trên, tại Hội thảo, các đại biểu còn tập trung góp ý vào Lời nói đầu; vai trò lãnh đạo của Đảng; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.../. 

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất